TS. Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Thưa ông, kinh tế tập thể được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm kể từ khi triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012?
Vị trí của khu vực kinh tế hợp tác ngày càng được nâng lên do được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặt ngang tầm với doanh nghiệp trong nhiều quy định, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo trong 10 năm qua. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được ban hành khá đầy đủ, hoàn chỉnh.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành một nghị quyết, 2 nghị định quy định chi tiết và 29 nghị định khác có liên quan. Thủ tướng Chính phủ ban hành 25 quyết định và 3 chỉ thị trực tiếp về triển khai thi hành Luật Hợp tác xã và 15 quyết định khác có liên quan. Các bộ, ngành đã ban hành 37 thông tư, 17 quyế́t định, 4 chỉ thị và nhiều văn bản khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể.
Còn ở dưới địa phương, bình quân mỗi tỉnh đã ban hành khoảng 40 văn bản liên quan trực tiếp đến kinh tế hợp tác trong giai đoạn 2013-2021, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tình hình thực tế của địa phương và xu hướng phát triển hợp tác xã (HTX), từng bước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế hợp tác phát triển để cùng với doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột của nền kinh tế.
Là cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành những chính sách gì để thúc đẩy khu vực kinh tế này?
Tất cả văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng; văn bản của các bộ, ngành liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thành phần kinh tế này đều được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp ý kiến xây dựng. Trong chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khu vực kinh tế này.
Có thể khẳng định, tất cả các quy định về quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế hợp tác hiện nay thuận lợi ngang bằng với khu vực doanh nghiệp. Đơn cử, thủ tục đăng ký thành lập HTX hiện nay không khác gì khu vực doanh nghiệp, đã tạo điều kiện cho HTX gia nhập, phát triển và rút lui khỏi thị trường; liên thông giữa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với HTX; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký HTX tương tự khu vực doanh nghiệp.
Có nghĩa là việc thành lập HTX cũng đơn giản như thành lập doanh nghiệp?
Người thành lập HTX, liên hiệp HTX chỉ cần nộp một bộ hồ sơ (gồm đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế) và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính duy nhất là phòng tài chính - kế́ hoạch thuộc UBND cấp huyện nếu thành lập HTX và nộp tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nếu thành lập liên hiệp HTX và quỹ tín dụng nhân dân và chỉ mất 3-5 ngày là hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập; còn thành lập tổ hợp tác không cần đăng ký, mà chỉ cần thông báo với UBND cấp xã.
Từ tháng 5/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triể̉n khai Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký HTX. Hệ thống đăng ký HTX có kết cấu tương đồng với hệ thống đăng ký doanh nghiệp, được liên thông với hệ thống đăng ký thuế́ của Tổng cục Thuế. Hệ thống đăng ký trực tuyến về HTX đã bắt đầu triển khai từ cuối tháng 5/2019, cho phép cơ quan quản lý HTX ở địa phương có thể thực hiện mọi thủ tục hành chính trên Hệ thống, như cấp đăng ký thành lập mới, đăng ký thay đổi, tạm ngừng hoạt động, thông báo quyết định giải thể, tạm ngừng, ngừng hoạt động... của HTX tương tự như doanh nghiệp.
Có thể nói, sự ra đời của Hệ thống Thông tin quốc gia về HTX là một bước ngoặt lớn trong công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, giúp chuyển cách thức quản lý từ thủ công sang hiện đại và hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyể̉n tư duy quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, thống nhất thủ tục đăng ký HTX trên cả nước.
Nhận được sự quan tâm rất lớn; cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt; hệ thống văn bản đã tương đối đầy đủ, phương thức quản lý tương đồng như doanh nghiệp, nhưng vì sao trong 10 năm qua, hệ thống HTX đóng góp vào nền kinh tế và số lượng người tham gia HTX ngày càng giảm?
Quy mô của khu vực kinh tế tập thể hiện chỉ bằng 40% khu vực kinh tế tư nhân, 10% khu vực kinh tế cá thể, 20% khu vực vốn đầu tư nước ngoài và 13,6% khu vực kinh tế nhà nước. Điều này cho thấy, khu vực kinh tế này chưa xứng với tiềm năng và thấp rất xa so với các nước trên thế giới. Năm 2020-2021 và cả năm 2022, dịch Covid-19 đã và tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, du lịch, nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp vì bị tổn thương nặng nề.
Thực trạng bức tranh về kinh tế hợp tác cho thấy, nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là khi bị dại dịch Covid-19 “thử thách” sức chịu đựng của mô hình kinh tế này. Chính vì vậy, đã đến lúc phải sửa đổi Luật Hợp tác xã, từ đó xây dựng một hệ thống văn bản, cơ chế chính sách mới phù hợp hơn cho khu vực kinh tế này.
Hiện tại, số HTX siêu nhỏ với quy mô vốn dưới một tỷ đồng chiếm 46%, quy mô vốn từ 1-5 tỷ đồng chiếm 38% và chỉ có 2% số HTX có quy mô vốn trên 50 tỷ đồng. Theo đó, khu vực kinh tế này không thể cạnh tranh nổi khi nền kinh tế đang vào giai đoạn cuối của các hiệp định thương mại tự do và cũng không có vốn để đầu tư vào công nghệ trong nền kinh tế số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ý tưởng sửa Luật Hợp tác xã theo hướng nào, thưa ông?
Để chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng định hướng phát triển cho khu vực kinh tế tập thể. Thậm chí, trong thời gian cả nền kinh tế phải “căng mình” chống đại dịch (năm 2020 và năm 2021), Thủ tướng cũng vẫn rất quan tâm đến thành phần kinh tế này khi phê duyệt Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025; Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề cương sửa Luật Hợp tác xã năm 2012 trên tinh thần bám sát vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, thu hút khoảng 15% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, đóng góp trong GDP của kinh tế tập thể chiếm trên 20%; trên 85% HTX lĩnh vực phi nông nghiệp và trên 80% HTX lĩnh vực nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 60% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Cùng với đó, có khoảng 10.000 HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.