Thời sự
Xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trần Văn Khôi - 19/05/2015 07:47
Với truyền thống cách mạng kiên cường được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ thành công trong việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no, như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và mong đợi.

Pho lịch sử vàng

Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, đã viết: “Đảng ta là con nhà nòi, xuất thân từ giai cấp lao động. Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”.

Quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân tạo thành nền tảng lực lượng trong nước của cách mạng

 

Theo Bác, thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại của cả dân tộc từ chống Thực dân Pháp đến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cho thấy sự vĩ đại từ sự lãnh đạo của một Đảng chân chính được bắt nguồn từ việc đáp ứng những yêu cầu giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc và đáp ứng những nhu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân lao động.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về đạo đức và văn minh của một Đảng cầm quyền nằm ở ngay việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân tự cường đứng lên chống áp bức, cuờng quyền của thực dân, đế quốc, của phong kiến suy tàn, đồng thời lại chỉ ra cho cả Đảng và dân chúng thấy rằng, thắng đế quốc, thực dân là tương đối dễ, thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều.

Đây là một thực tế của lịch sử trong kháng chiến, không phải ai cũng hình dung hết những khó khăn và gai góc sau khi chiến thắng những thế lực thống trị vào hàng cường quốc trên thế giới, cũng như những tàn dư phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm.

Từ thực tiễn đấu tranh thống nhất nước nhà và hòa bình, ấm no cho nhân dân, với thiên tài của mình, Hồ Chí Minh đã đúc kết những kinh nghiệm trong lãnh đạo cách mạng của Đảng thành những vần thơ đã đi vào lịch sử vẻ vang của Đảng ta:

Đảng ta vĩ  đại như biển rộng, như núi cao,

Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh,

Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no.

Công ơn Đảng thật là to,

Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng.

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh cho rằng, trong xây dựng Đảng, trước hết, “Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm cốt” và trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đồng thời, Người cũng dạy cán bộ, đảng viên là nắm chủ nghĩa Mác - Lênin là nắm lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng của nó để vận dụng, để bổ sung làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin.

Mặt khác, vì là một tổ chức tiền phong của giai cấp, của dân tộc, nên Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng như: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; đoàn kết nhất trí trong Đảng.

Điểm đặc biệt trong các quan điểm về xây dựng Đảng ta ở Hồ Chí Minh là Người cho rằng, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Và để thành người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đòi hỏi người cán bộ đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, chứ không phải vào Đảng để “thăng quan phát tài”.

Vậy nên, người cách mạng trước hết phải “có đức” làm gốc, đồng thời phải rèn tài để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Cán bộ, theo Hồ Chí Minh, phải có tác phong dân chủ, khoa học và thực tế.

Hồ Chí Minh là người hiểu sâu sắc rằng, cách mạng là sự nghiệp của cả dân chúng, chứ không phải của một ít người, cho nên, trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, thì mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân tạo thành nền tảng lực lượng trong nước của cách mạng.

Chính vì sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều có chung mục tiêu là phục vụ nhân dân, cho nên Hồ Chí Minh có phương châm, phương hướng hành động trong xây dựng mối quan hệ này là, “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm; việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Nhà nước phải gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo đảm tự do dân chủ theo đúng đường lối tối cao của Chính phủ nhân dân.

Coi trọng công tác cán bộ và xây dựng Đảng

Về tiêu chuẩn người cán bộ, đảng viên, công chức trong chế độ mới, theo Hồ Chí Minh, họ phải trung với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa và phải kính trọng dân. Cán bộ, viên chức phải hăng hái, thạo việc, đem hết tài năng và trí lực theo đúng đường lối Chính phủ, phục vụ nhân dân. Đồng thời, cán bộ, công chức phải thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân.

Trong thực thi công vụ, người cán bộ, đảng viên của Đảng có chức vụ, quyền hạn nhất định trong bộ máy lãnh đạo hoặc quản lý nhà nước thì cần phải có gan quyết đoán, dám phụ trách, dám chịu trách nhiệm. Khi gặp thuận lợi không kiêu căng, khi gặp khó khăn không dao động, khi thi hành thì kiên quyết, gan góc. Trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp không thành kiến hẹp hòi, không giấu khuyết điểm và phải có chí tiến thủ.

Việc lựa chọn cán bộ, đảng viên, công chức phải mang tính chuyên nghiệp và được tiêu chuẩn hóa, có chế độ thi tuyển vào các ngạch bậc hành chính, có quy chế công chức Việt Nam để quản lý và xây dựng đội ngũ chính quy, hiện đại. Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là dây chuyền của bộ máy, nối Đảng, Chính phủ với nhân dân và nối dân với Đảng và Chính phủ. Nhiệm vụ của cán bộ là đem đường lối của Đảng và Nhà nước giải thích cho dân hiểu để thi hành, đồng thời đem tình hình, nguyện vọng của dân chúng báo cáo với Đảng và Chính phủ để Chính phủ và Đảng đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Vì vậy, theo Bác, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Ngoài phương thức Đảng lãnh đạo thông qua công tác cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh cho rằng, gương mẫu là một yêu cầu tiêu chuẩn đảng viên, thể hiện tinh thần hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng của Đảng. Để lãnh đạo được quần chúng, cán bộ đảng viên “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, phải thực hiện “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Theo Bác, đó vừa là lời ca ngợi, đồng thời cũng là đòi hỏi của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu đặt ra đối với Đảng ở mọi thời kỳ, song trong điều kiện Đảng cầm quyền, trong hội nhập quốc tế, phải được coi trọng và nhấn mạnh hơn nhiều.

Hồ Chí Minh cho rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định đưa cách mạng đến thắng lợi, trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo bộ máy chính quyền Nhà nước, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thống nhất và các tổ chức quần chúng và quá độ từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước là nhân tố bảo đảm để Nhà nước giữ vững bản chất giai cấp công nhân, đồng thời giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong bài “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”, Hồ Chí Minh viết: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, mọi công việc đều làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ, thì các kế hoạch Nhà nước nhất định hoàn thành và đời sống của nhân dân ta chắc chắn được cải thiện thêm mãi”.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng Đảng

Bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa, khi chủ nghĩa tư bản còn có nhiều lợi thế khoa học - công nghệ có trình độ cao, giải quyết có hiệu quả một số lĩnh vực an sinh xã hội, trong khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực còn nhiều bất cập, nhiều đảng cộng sản mất vai trò đảng cầm quyền.

Trong bối cảnh đó, vấn đề xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa sự nghiệp đổi mới đến thắng lợi theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng cầm quyền chính là việc tiếp nối thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no trong thời kỳ mới. Trước thực trạng công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Điều đáng chú ý là, trong những nhận định về tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên, Đảng ta nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Tồn tại trên có các nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân chủ quan như sự tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên còn thiếu; việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng còn yếu; công tác kiểm tra kỷ luật Đảng chưa nghiêm.

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, cần làm tốt những vấn đề cấp bách sau:

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, trước hết là cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.

Tin liên quan
Tin khác