Thời sự
Bác Hồ tìm người tài, dùng người tài
Bá Thư - 19/05/2015 07:19
Câu chuyện tìm người tài và trọng dụng người tài của Bác, qua suốt chặng đường cách mạng, đến nay vẫn nóng bỏng tính thời sự, nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ mới, với vận hội và thách thức mới.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 11, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đang cho ý kiến, thảo luận và quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, “đó là công việc có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước”.

Chỉ có những cán bộ hết lòng vì dân, vì nước, thật sự là một phần của bộ tham mưu chiến lược của Đảng, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc mới có thể đưa sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vượt qua khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu mới.

Tư duy trọng người tài của Bác không chỉ thể hiện ở việc tìm kiếm người tài, mà còn ở việc sử dụng người tài. Ảnh: TTXVN

 

Từ văn bản đăng báo “tìm người tài đức”

Nói về tư tưởng trọng người tài và tài dùng người của Bác Hồ, nhiều người đã biết đến và cảm phục sự trọng thị, chân tình, sâu sắc của Người đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân sĩ trí thức trong xã hội. Song điều đáng nói là, chính Hồ Chủ tịch lại tự nhận mình có “khuyết điểm” khi chưa phát hiện được người tài đức.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một văn bản với tiêu đề “Tìm người tài đức”. Văn bản này đã được đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ra ngày 20/11/1946.

Văn bản nêu rõ: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”. Và Người “tự nhận khuyết điểm” với những lời chân tình rằng, đã “nghe không đến, thấy không khắp”, khiến người tài đức chưa được biết tới: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”.

Đồng thời, Người cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm đó: “Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Trước văn bản đăng Báo Cứu quốc số 411 để “tìm người tài đức” đó, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mong muốn mời thêm “nhiều nhân sĩ  tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.

Đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng để có thể quy tụ sức mạnh các tầng lớp, giai cấp khác nhau cùng lo việc nước được xem là động thái đầu tiên có tính hành chính trong cách dùng người và tầm nhìn, quan điểm trọng dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói, văn bản “Tìm người tài đức” của Bác Hồ đăng báo Cứu quốc năm 1946 là tư liệu vô cùng giá trị của Bác để lại cho Đảng, Nhà nước ta về chủ trương trọng dụng nhân tài, cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp cách mạng đất nước. Một văn bản ngắn gọn, nhưng thể hiện đầy đủ tầm nhìn chiến lược, sự cầu thị, chân thành khi nhìn nhận về tìm kiếm người tài. Chính sự cầu thị và trọng thị đó mà trong bối cảnh đất nước đầy gian khó, các giai cấp, tầng lớp đều hướng về cách mạng, gạt bỏ mọi vướng mắc để chung tay giúp nước.

Từ các nhà nho, nhân sĩ tài năng, uy tín trong xã hội như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Văn Tố..., các vị quan chức cấp cao của triều đình nhà Nguyễn như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe đến các trí thức tài giỏi như Luật sư Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch… đều đã “xuất thân giúp nước” như lời Bác Hồ kêu gọi.

 Đến tin dùng người tài

 Tư duy trọng người tài của Bác không chỉ thể hiện ở việc tìm kiếm người tài, mà còn ở việc sử dụng người tài. Tư tưởng đó xuyên suốt và biểu hiện bằng những hành động chân tình, trọng thị, khiến mỗi người đều cảm nhận được tấm lòng vì dân, vì nước của Bác, mà việc Người hai lần đánh điện mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ lâm thời đến nay vẫn được nhắc đến như một hình mẫu về sự trọng người tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện lần thứ nhất, mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Gặp buổi xứ Huế trời mưa và lạnh, cụ Huỳnh điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”.

Ít ngày sau, Bác Hồ đánh bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh, đích thân Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp ký tên với nội dung: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ!”.

Chừng ấy lời khẩn thiết, cụ Huỳnh quyết định ra Hà Nội, song từ chối nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vì “lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Song tại kỳ họp đầu tiên ngày 2/3/1946, Quốc hội họp để thông qua Danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, lời giới thiệu của Bác Hồ về cụ Huỳnh vẫn chân tình một tấm lòng trọng người tài của Người. Người nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”.

Sau này, cụ Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Chủ tịch luôn như hai người bạn tri kỷ. Cuối tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi thăm hữu nghị nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Người đã ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ vị trí quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng, với lời dặn: “Tôi có việc phải đi, mọi việc ở nhà đều có cụ!”. Rồi Người trao cho Huỳnh Bộ trưởng sáu chữ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, trở thành phương châm để cụ Huỳnh Thúc Kháng đối phó, ứng xử với tình hình trong nước.

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi điện mời một vị nhân sĩ yêu nước nổi danh khắp Nam Bộ từ đầu thế kỷ 20 ra Bắc tham gia kháng chiến, đó là Cao Triều Phát.

Cụ Cao Triều Phát sinh năm 1889 tại Bạc Liêu, xuất thân trong một gia đình quan lại và đại điền chủ, thế lực và sự giàu có vào bậc nhất ở Bạc Liêu. Nhưng cụ Cao Triều Phát đã không trở thành một “công tử Bạc Liêu” trong nhóm công tử Bạc Liêu đương thời, mà tham gia nhiều hoạt động xã hội, bênh vực cho quyền lợi công nhân và lao động người Việt ở Pháp cũng như ở Việt Nam bị bóc lột, đàn áp.

Cao Triều Phát đã theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch, tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Khu, ở Miền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội Việt Nam.

Tháng 9/1947, khi Cao Triều Phát làm Cố vấn Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ thì nhận được một bức thư Bác Hồ gửi. Bức thư có đoạn: “... Dù xa cách, Chính phủ và tôi lúc nào cũng nghĩ đến công nghiệp của ông đối với Tổ quốc, đối với cuộc kháng chiến và rất mong có ngày được gặp ông...

Cuộc kháng chiến càng ngày càng gay go, sự đoàn kết của nhân dân càng ngày càng phải siết chặt, ông là một lãnh tụ của một tôn giáo lớn, một vị nghị sĩ, một bậc lão thành, nhiệm vụ của ông đối với sự đoàn kết ở Nam Bộ rất nặng nề. Chính phủ, Quốc hội cũng như đồng bào Trung, Bắc rất hâm mộ và tín nhiệm ông. Với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể quốc dân, ngày vinh quang của đất nước sẽ gần đây. Ngày ấy cùng ông uống một chung rượu đào, ngâm một bài thơ đắc thắng, là lòng mong mỏi của tôi…”.

Rõ ràng, không chỉ trường hợp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhân sĩ Cao Triều Phát, việc bao nhân sĩ, trí thức, những người ở các cương vị, đảng phái, tôn giáo khác nhau cùng “ghé vai gánh việc nước” là những bằng chứng sinh động về Tầm, Tâm, Tài của Hồ Chí Minh trong việc việc thu hút, tập hợp, đoàn kết và sử dụng trí thức, nhân tài phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng có viết: “Bác Hồ dành muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mọi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt... Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói những lời, làm những việc mà mỗi người lao động chờ mong, cảm hóa được nhân sĩ, trí thức, thuyết phục được người do dự, phân vân, trân trọng từ các cháu thanh niên và nhi đồng, chan hòa gần gũi với những người giúp việc quanh mình, nâng niu từng nhân cách”.

Tin liên quan
Tin khác