Theo các đại biểu, việc xây dựng 2 dự án trên sẽ đem lại hiệu quả cao cho Việt Nam, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, đóng góp vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng sang Trung Quốc.
Dự án Khu trung chuyển hàng hóa được thực hiện sẽ đáp ứng mục tiêu phát triển, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, là đầu mối giao thương xuất khẩu hàng hóa, tiếp nhận lưu kho, phân phối hàng hóa..., là nơi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan các thủ tục hải quan, gắn kết các loại hình công trình dịch vụ...
Xe chờ thông quan ở cửa khẩu Đồng Đăng (ảnh nguồn Internet) |
Ngoài những hiệu quả về mặt thương mại, kinh tế, thì khu trung chuyển hàng hóa còn đóng góp lớn trong các vấn đề an ninh biên giới, cũng như phát triển hoạt động thương mại biên giới. Vì vậy, đề án xây dựng Khu trung chuyển là cần thiết, cần sớm thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các đơn vị chức năng cho rằng, các địa phương cần phải làm rõ những khu trung chuyển này có trùng lặp chức năng với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên địa bàn hay không; tính toán xem các hạng mục nào phải đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và hạng mục nào cần thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Từ đó, xây dựng cơ chế đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng cần rà soát lại nội dung dự án, phân tích rõ hơn để thấy được vai trò của khu trung chuyển hiện đại, kết nối với khu trung chuyển của Trung Quốc. Đặc biệt, cần phân tích đối chứng, so sánh số liệu vận chuyển và thông quan nông sản vào thị trường Trung Quốc một cách cụ thể hơn nữa. Tổ chức triển khai thực hiện đề án, đồng thời làm rõ năng lực địa phương trong tổ chức thực hiện.
Đối với doanh nghiệp quan tâm đầu tư, địa phương cũng cần cụ thể hoá với các doanh nghiệp về chính sách, thu hút đầu tư, để thống nhất sự phân định và khả năng tham gia dự án.