Hội nghị chuyên đề về Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại vừa diễn ra tại Hà Nội |
Chính thức triển khai từ năm 2014, tới nay đã có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối NSW, với hàng triệu hồ sơ của hơn 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế này.
Trong bối cảnh từ đầu năm 2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan; đang đàm phán để hoàn thiện các nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu… thì việc thúc đẩy NSW, ASW càng trở nên bức thiết.
Thực tế cho thấy, NSW, ASW đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cùng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ chế này còn giúp Việt Nam giảm thời gian và chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu với mức giảm trung bình 19 USD trên mỗi lô hàng. Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) còn cho thấy, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN…
Kết quả đạt được là không thể phủ nhận, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, thậm chí có chủ doanh nghiệp đã rơi nước mắt vì vui mừng, vì được giải thoát sau bao năm phải chịu đựng nền hành chính lạc hậu, phiền nhiễu trước đây.
Thành công là vậy, song những gì đạt được mới chỉ là bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan.
Đánh giá kết quả thực hiện NSW, phiên họp thứ 3, Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại vào đầu năm 2018 đã chỉ rõ, dù đạt được một số thành tích, song kết quả triển khai NSW còn khiêm tốn so với mục tiêu đã đề ra, do cả năm 2017 mới triển khai được 8/22 thủ tục hành chính theo kế hoạch. Một số thủ tục đã được triển khai, nhưng số lượng hồ sơ, số lượng doanh nghiệp tham gia không nhiều.
Hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thích ứng kịp và chưa tham gia thực hiện các thủ tục bằng phương thức điện tử.
Hiện vẫn còn doanh nghiệp thực hiện song song cả phương thức điện tử và thủ công. Điều đáng nói nữa, là một số cơ quan nhà nước còn thực hiện NSW theo kiểu hình thức, đối phó bằng cách chỉ cắt bỏ kiểm tra ở những mặt hàng có lưu lượng hàng hóa thấp để ít ảnh hưởng đến “quyền lực” của mình.
Nhằm sớm khắc phục những hạn chế, đồng thời tìm giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm 2018, các bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các bộ, ngành phải xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và có lộ trình thực hiện. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc rà soát, thống nhất thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai NSW, ASW cũng như tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp.
Giải pháp, bước đi đã rõ ràng. Vấn đề còn lại là quyết tâm, là nỗ lực của tất cả các bên tham gia, kết hợp với phương pháp thực hiện khoa học nhằm rút ngắn thời gian triển khai để NSW, ASW thực sự là cánh cửa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, là cửa ngõ để doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới.