Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng tham luận tại phiên chuyên đề - |
Tham luận tại diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 được tổ chức ngày 18/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng nêu bối cảnh đặt ra những yêu cầu đặc biệt, thậm chí là chưa từng có đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật.
Đó là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam sẽ từ nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Vì vậy, ông Tùng nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay là giai đoạn có tính lịch sử với rất nhiều thách thức.
"Thực tế đã chứng minh trong 50 năm qua chỉ một số ít nước có thể chuyển từ vị trí thu nhập trung bình lên vị trí thu nhập cao, trong đó cải cách thể chế đóng một vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với quá trình cải cách và hoàn thiện thể chế của Việt Nam. Trong đó, có ba xu hướng lớn toàn cầu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam, đó là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, sự tăng tốc của nền kinh tế số, sự gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến xanh. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục có những tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh.
Bối cảnh trên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, đặt ra những yêu cầu đặc biệt, thậm chí là chưa từng có đối với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật để thực hiện có hiệu quả yêu cầu về cải cách, hoàn thiện thể chế.
Trong đó, không chỉ yêu cầu hướng tới khắc phục, giảm thiểu những thiệt hại do dịch bệnh gây nên mà còn phải tận dụng được những yếu tố thời cơ, thuận lợi, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển với tư duy mới và tầm chiến lược mới.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu một số yêu cầu cụ thể. Một, yêu cầu sửa đổi, xây dựng, ban hành nhanh chóng và thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật để phản ứng kịp thời và ứng phó hiệu quả với đại dịch, xử lý những vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ, đồng thời, bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân.
Hai, yêu cầu ban hành và tổ chức thi hành các văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật mà do sự chuyển biến của tình hình nên không còn phù hợp với thực tiễn, gây ra vướng mắc, cản trở phát triển; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, tăng trưởng xanh;
Ba, yêu cầu nghiên cứu, ban hành và tổ chức thi hành những văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh những lĩnh vực mới phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội, tạo khung pháp lý cần thiết và thông thoáng cho sự phát triển, trong đó, tập trung vào một số khía cạnh như đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, Chính phủ số và nền kinh tế số.
Bốn, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm; bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm sự phát triển cân đối hơn giữa các vùng, miền, lĩnh vực kinh tế, qua đó khẳng định bản chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nêu một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
"Trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, sự đổi mới về tư duy, nhận thức, phương pháp tiếp cận của các chủ thể tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở tạo nên những chuyển biến mang tính bứt phá đối với công tác này", ông Tùng nhấn mạnh.
Sau tham luận của ông Hoàng Thanh Tùng, phiên hội thảo 1 nghe các diễn giả trình bày về đổi mới chính sách đất đai và thảo luận xoay quanh chủ đề đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.