Xây dựng nền tảng văn hóa Thủ đô
Trải qua 15 năm, công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng |
Nổi bật là phát triển văn hóa đọc, tổ chức phố sách, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng), trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đặc biệt, về việc phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Hà Nội đã có những đột phá đáng tự hào, tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Về cơ sở hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tập trung đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia hiện nay đạt 72,3%. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng, đóng góp ngày càng quan trọng nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.
Hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có 362 cơ sở dạy nghề, tăng 110 cơ sở so với năm 2010; số học viên hàng năm đạt trên 200.000. Số trường cao đẳng là 67 cơ sở, tăng 47 cơ sở so với năm 2010; đào tạo hàng năm cho khoảng 50.000 sinh viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không ngừng tăng, đến hết 2022 đạt 72,2%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 51,2%.
Ngoài ra, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh cũng được nâng cao. Thành phố đã phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực.
Cụ thể, Thành phố đã đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế, trên địa bàn hiện có 82 bệnh viện do Hà Nội quản lý (tăng 27 cơ sở so với năm 2010); nâng cao y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 96%; thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có kiểm soát.
Đảm bảo an sinh xã hội
Trong năm 2020 và 2021, Thành phố đã quán triệt, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Hà Nội thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 |
An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp an sinh xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời.
Các nhu cầu thiết yếu về điện, nước sạch, vệ sinh môi trường được đảm bảo; cảnh quan đô thị, diện tích cây xanh, công viên được cải thiện. Công tác dân tộc được quan tâm, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển đồng bộ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt; từ năm 2018 không còn xã, thôn trong diện đặc biệt khó khăn.
Xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”
Lãnh đạo TP.Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội luôn coi trọng xây dựng văn hóa ngay từ trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, xây dựng văn hoá Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc, người Hà Nội năng động, văn minh, thanh lịch, xứng đáng với danh hiệu Thành phố vì hòa bình, thông minh, sáng tạo.
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, nhất là giáo dục đại trà; nâng cao dân trí, chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”.
Song song với đó, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài.
Đối với lĩnh vực y tế, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận các nước phát triển trên thế giới. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở góp phần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thành phố sẽ thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa trung tâm của Thủ đô.