Bà Trần Thị T.T (ngụ tại TP. HCM) vừa gửi đơn lên cơ quan hải quan xin được tái xuất chiếc xe Lexus ES 350, sản xuất năm 2012 và đã cập cảng Việt Nam đầu năm 2013. Lý do được Việt kiều mang hai hộ chiếu Hoa Kỳ và Việt Nam này đưa ra khi xin tái xuất lại chiếc xe Lexus nói trên về lại Hoa Kỳ là bởi, e ngại mất nhiều thời gian do cơ quan hữu trách còn phải điều tra, xác minh trong quá trình làm thủ tục cấp phép.
“Việc này sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi. Mặt khác, tài sản sẽ phải chịu chi phí lưu kho bãi rất tốn kém. Thêm vào đó, hàng hóa khi bảo quản trong quá trình lưu kho sẽ không được chu đáo, dẫn tới han gỉ, hỏng hóc, giảm giá trị và nhiều rủi ro khác có thể xảy ra”, đơn kiến nghị của Việt kiều này cho biết và sẵn sàng chịu mọi lệ phí theo quy định.
Lượng ô tô nhập khẩu theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều đang tăng mạnh. Ảnh: Đức Thanh
Cũng không phải chỉ có một đề nghị được tái xuất xe về lại nơi xuất khẩu là Hoa Kỳ. Một số Việt kiều cũng nhập khẩu xe theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương đã cấp tập gửi kiến nghị lên cơ quan hải quan để xin lại xe và tái xuất.
Việc xin được tái xuất xe này diễn ra trong thời điểm Bộ Công an và Tổng cục Hải quan đã chính thức vào cuộc, tiến hành điều tra xác minh câu chuyện buôn lậu xe theo đường dây Việt kiều hồi hương khi số lượng xe nhập khẩu dạng này đột nhiên “bùng nổ” trong năm 2012.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có trên 1.200 xe ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2012 theo diện tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương (năm 2011 trước đó, chỉ có 38 xe nhập khẩu theo diện này).
Hiện hải quan đang phối hợp với cơ quan công an, cảng vụ ở 6 địa bàn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) tạm giữ xe mô tô, ô tô đã và đang về cảng của các cá nhân thuộc diện Việt kiều hồi hương.
Với những tuyên bố khá cứng rắn, thậm chí là “tịch thu” các xe ô tô nhập khẩu sai quy định đã khiến một số Việt kiều “vội” làm đơn để xin được tái xuất xe ô tô cũng là điều dễ hiểu.
Nhất là khi trên thực tế, một số Việt kiều đã có hành động nhận tiền, từ 5.000 – 15.000 USD để cho mượn tên, nhập khẩu xe theo diện tài sản di chuyển của mình khi hồi hương về Việt Nam.
Vào đầu năm 2013, sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã tiến hành truy thu khoảng 5,7 tỷ đồng thuế các loại với trường hợp hai vợ chồng Việt kiều cùng nhập khẩu về một hộ tại Việt Nam.
Một điểm cũng được cơ quan hữu trách chỉ ra trong việc lợi dụng các ưu đãi về thuế rất lớn trong chính sách di chuyển tài sản đối với Việt kiều về Việt Nam định cư, đó là đã xuất hiện tình trạng, một số người già yếu, nhưng lại xin nhập khẩu xe máy có phân khối lớn, trên 175 cm3.
Vì vậy, cùng với siết chặt việc nhập khẩu xe ô tô, cơ quan quản lý này cũng đã đề xuất, đối với các trường hợp nhập xe mô tô phân khối lớn, phải có bằng lái xe tương ứng kèm theo để tránh lợi dụng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Thanh Hương