Đến nay, không thấy có tài liệu nào khẳng định chắc chắn việc dùng những câu thơ trong Truyện Kiều để xem bói bắt đầu tư khi nào.
Theo một số phỏng đoán, xem bói bằng thơ Truyện Kiều có thể được dân gian sử dụng khoảng cuối thế kỷ 19, khi Truyện Kiều được khắc in bằng chữ Nôm và sau đó là in trong sách bằng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20.
Về cơ bản, nguyên lý của xem bói bằng thơ Truyện Kiều là: Các quẻ bói theo thơ sẽ nói lên tương lai, mang tính cảnh báo, răn đe, nhắc nhở mỗi người suy nghĩ, tự vấn về những việc đã làm, hay việc định làm.
Những người xem bói bằng thơ Truyện Kiều thường mỗi năm chỉ xem một quẻ; mỗi việc chỉ xem một quẻ. Những chủ đề xem bói bằng thơ Truyện Kiều thường là về chuyện tình duyên, học hành, thi cử, gia đạo, công danh, tiền tài, động thổ, xây cất, buôn bán...
Theo người đi trước, có hai cách xem bói bằng thơ Truyện Kiều.
Một là, cách xem bói bằng sách, thường chỉ các nhà nho, người có học vấn, hiểu biết những sách chuyên sâu về lĩnh vực này, như sách Mai Hoa dịch số của Thiệu Khang Tiết đời Tống (Trung Quốc).
Sách này dựa vào Bát Quái, Thập Can, Ngũ Hành, Tam Kì,... xếp thành 18 điều ( (gồm 8 quái và 10 can), ứng với các việc muốn xem.
Người muốn xem bói chọn 1 trong 18 điều để xem quẻ bói, rồi dùng hai đồng tiền xu thả trên đĩa, xem kết quả sấp hay ngửa. Cả hai đồng tiền đều ngửa là quẻ Dương, tức Thiên. Nếu cả đồng tiền sấp cả thì Âm, tức Địa. Nếu một sấp một ngửa, là vừa âm vừa dương, tức Nhâm.
Khi có kết quả Tam tài đó, người muốn xem bói chọn một trong 5 chữ Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Kết hợp chữ đầu về 8 quái và 10 can, rồi hiệp với Tam tài và Ngũ hành sẽ có 4 bảng tra số mục để tìm câu ứng với nghiệm. Toàn sách bói này chỉ có 54 x 5 = 270 câu lục bát (tức là 540 hàng) cho 270 số mục. Cách xem bói này khá cầu kỳ, phức tạp, nên hiện không còn nhiều người sử dụng.
Hai là, cách xem bói Kiều theo dân gian, cách làm đơn giản hơn, dùng trực tiếp các câu thơ, đoạn thơ của Truyện Kiều để xem, không cần các yếu tố âm, dương, can, quái theo sách.
Thường thì người xem dùng cuốcn Truyện Kiều in đầy đủ (bằng chữ Nôm, hoặc chữ quốc ngữ), ngồi nghiêm trước bàn, có thể thắp nhang thơm cho thêm phần trang nghiêm và khấn 3 câu: “Lạy vua Từ Hải /Lạy vãi Giác Duyên/Lạy tiên Thuý Kiều”.
Người xem bói sẽ xưng tên, tuổi, ngày tháng năm đang xem bói, và nói ý nguyện muốn xem (công việc gì, vấn đề gì, càng cụ thể càng tốt).
Sau đó, thật tĩnh tại, mở cuốn sách ra, ngón cái (của bàn tay giở sách) đặt ở trang nào, hàng nào thì tính từ đó xuống đủ 4 hàng. Nội dung 4 hàng đó là quẻ bói, và cần phải bắt đầu bằng câu lục (6 chữ), kết thúc bằng câu bát (tám chữ).
Nội dung của 4 câu thơ đó (hai cặp lục bát) sẽ được chiêm nghiệm, suy ngẫm, là lời tư vấn, gợi ý, cảnh báo hay khuyên nhủ cho người xem bói.
Thường thì việc cắt nghĩa hai cặp thơ này có thể tự làm hoặc nhờ người có trình độ, am hiểu và được mình tin tưởng, nể trọng lý giải. Nội dung, cốt truyện của Truyện Kiều được xem là độc lập, không gắn với nội dung lý giải cho quẻ bói.
Chính vì thế, việc xem bói bằng thơ Truyện Kiều khá phổ biến trong dân gian xưa, do dễ làm, chủ động suy luận và còn bởi Truyện Kiều xưa khá phổ biến, thuộc và hiểu nhiều Truyện Kiều còn được xem là có hiểu biết, có uy tín.
Song việc xem bói thơ Kiều cũng chỉ áp dụng khi người ta muốn có lời gợi mở, tự vấn, không mang tính mê tín dị đoan, coi những suy diễn đó như "đinh đóng cột" để bi lụy hay hành động mù quáng.
Ngày nay, việc xem bói thơ Kiều đã mai một, không còn nhiều người dùng, nhất là giới trẻ, bởi thơ Truyện Kiều không nhiều người thuộc, cũng bởi trên cộng đồng mạng, xuất hiện nhan nhản những trang xem tử vi, tướng số đã được "số hóa".
Như Tầm