Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước xuất dự trữ thương mại |
Trước áp lực về nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh thị trường trong nước biến động, thiếu xăng dầu cục bộ, chiều 2/11, Bộ Công thương đã họp với các đầu mối doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian gần đây đã xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho.
Đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có chỉ có 22 doanh nghiệp đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch vào đầu năm và bổ sung. 14 doanh nghiệp còn lại hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân đã chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Do đó, các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn, đồng thời là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tư lệnh ngành Công thương đề nghị, các doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM Saigon Petro, Tổng công ty Thương mại XNK Thanh Lễ và Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa và vận hành vượt công suất để tiếp tục cung ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước.
"Tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả nhà nước và tư nhân có điều kiện (đã và đang được phân giao, có uy tín để làm ăn được với các đối tác trong nước và nước ngoài) phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao, sẵn sàng bù đáp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao", Bộ trưởng đề nghị.
Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp từ đầu mối, tới thương nhân phân phối, đại lý, doanh nghiệp bán lẻ nếu như không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cho rằng: "Hiện, Bộ Công thương đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83, Mghị định 95. Bộ Công thương sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn".
Bởi “cú sốc” vừa rồi đã bộc lộ những khuyết khiếm trong quy định hiện hành. Theo đó, Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.