Thời sự
Xét tuyển bổ sung thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao
D.Ngân - 21/09/2021 06:52
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học xét tuyển bổ sung thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu năm nay cao hơn hẳn so với 2020 ở tất cả các ngành. 

Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào). 

Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 01 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. 

Để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số thí sinh có tổng điểm thi 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi; trong đó có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào.

Trong 61 em không trúng tuyển nguyện vọng nào có 60 em chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng; 

59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, trong đó 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Về hiện tương tăng điểm chuẩn ở một số ngành/ khối ngành, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã đưa ra ba nguyên nhân chính.

Thứ nhất, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, do số thí sinh tăng mạnh. Năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tăng từ 900.000 lên 1.020.000 (tăng khoảng 11% so với năm 2020). Số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ tăng 152.000 (tăng gần 24% so với 2020); vì vậy điểm chuẩn một số trường tăng hoặc tăng vọt. 

Có thể thấy, các trường tốp trên tiếp tục có điểm chuẩn ổn định hoặc tăng nhẹ nên thí sinh tập trung trường tốp giữa; các trường điểm chuẩn bứt phá thuộc về trường tốp giữa.

Thứ hai, xu hướng chọn ngành của thí sinh thay đổi. Do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, thí sinh đã có sự cân nhắc kỹ khi chọn ngành. 

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khối ngành có điểm chuẩn tăng nhiều (5 điểm trở lên) là Kỹ thuật- công nghệ (có 70 mã ngành tăng); Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (60 mã ngành tăng)- chiếm một nửa so với số ngành điểm chuẩn tăng cao; sau đó mới là ngành kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn, pháp luâtk.

Cuối cùng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, qua phân tích phổ điểm thi, bài thi tiếng Anh điểm tăng khá cũng góp phần tăng điểm chuẩn.

Như vậy, việc tăng điểm chuẩn xét tuyển đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT của năm nay là bình thường và cũng là một tín hiệu đáng mừng- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021 tỷ lệ tuyển sinh/chỉ tiêu cao hơn hẳn so với 2020 ở tất cả các ngành. Số mã ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75%, (tăng 9% so với 2020); số ngành tuyển dưới 50% là 18% (giảm 9% so với 2020). 

Về điểm chuẩn, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành); số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành (chưa tới 1%); số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265 ngành: Kỹ thuật - Công nghệ (70 ngành), Sư phạm (64 ngành), Kinh doanh &Quản lý (42 ngành), xã hội nhân văn (32 ngành), Pháp luật (10 ngành).

Tin liên quan
Tin khác