Điểm nóng
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: “Ký theo chỉ đạo” và chỉ hưởng lương?
Việt Dũng - 23/09/2024 11:50
Các bị cáo nguyên là "sếp" các công ty phát hành trái phiếu khai rằng, bản thân chỉ biết ký theo chỉ đạo vào hồ sơ có sẵn. Không lường trước được hậu quả sau đó sẽ như thế nào.

Chủ tịch Công ty Quang Thuận nhận thù lao 7 triệu đồng/tháng

Ngày 23/9, Tòa án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) cho biết, ngoài Công ty Quang Thuận, bị cáo cũng là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đơn cử làm Tổng giám đốc VIPD, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Nam (Công ty VN Group), đại diện pháp luật Công ty cổ phần Đường Khánh Hội…

Song, tại tòa, bị cáo khai nhận rằng, bản thân chỉ là người được thuê để đứng tên đại diện doanh nghiệp, hưởng lương với mức thù lao khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bị cáo không tham gia vào hoạt động điều hành của công ty. Tất cả những hồ sơ và giấy tờ liên quan đến việc phát hành trái phiếu đều được chuẩn bị sẵn, bị cáo chỉ việc ký.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác tại toà.


Theo bị cáo Thi, thời điểm đó, bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào cấp trên nên ký, nhưng sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã nhận thức được việc làm của mình là sai. Khi đó, bị cáo chỉ biết ký vào hồ sơ theo yêu cầu, không nhận thức được hậu quả của việc đó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người như vậy. 

Theo cáo trạng, Nguyễn Vũ Anh Thi đại diện Công ty VIPD ký Hợp đồng đặt đặt mua 50.000 trái phiếu mã ADC-2018.09 do Công ty An Đông phát hành. Ký 14 chứng từ Công ty VN Group chuyển cho Công ty An Đông số tiền 5.006 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu giúp cho Công ty An Đông phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.

Đối với việc phát hành mã trái phiếu QT-2018.1 của Công ty Quang Thuận, bị cáo Thi tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu của Trương Mỹ Lan sau đó duyệt ký Quyết định của Đại hội đồng cổ đông số ngày 12/12/2018 của Công ty Quang Thuận. Ký báo cáo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp để gửi Bộ Tài chính. Ngoài ra, bị cáo còn đại diện nhiều công ty khác, ký hợp đồng liên quan đến việc mua trái phiếu của Công ty Quang Thuận…

Việc làm trên đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành gói trái phiếu An Đông và Công ty Quang Thuận, chiếm đoạt số tiền 6.506 tỷ đồng của bị hại.

Bàn cách bán tài sản công ty để lấy tiền trả cho trái chủ

Trước đó, trả lời Hội đồng xét xử liên quan đến việc phát hành trái phiếu tại Công ty Setra, bị cáo Trần Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Công ty Setra) cho biết, dòng tiền từ phát hành trái phiếu tại Công ty Setra được chuyển sang Công ty cổ phần phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (Công ty VIPD) theo hợp đồng hợp tác đầu tư.

Song, bị cáo Tuấn khai, không biết ai là người chuyển số tiền này, bị cáo chỉ thực hiện việc ký hồ sơ để công ty phát hành trái phiếu. Bị cáo không được hứa thưởng hay hưởng lợi gì từ việc ký hồ sơ để phát hành trái phiếu.

Theo cáo trạng, Trần Văn Tuấn đã chỉ đạo Trần Thị Lan Chi (Kế toán trưởng Công ty Setra) chuẩn bị Báo cáo tài chính, phối hợp Công ty TNHH kiểm toán và tư vấn A&C (Công ty kiểm toán A&C) thực hiện các thủ tục để điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2019 để Công ty Setra có lãi. Trực tiếp ký hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan, giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Tại tòa, bị cáo Tuấn cho biết, cáo trạng truy tố bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không oan sai.

“Trong quá trình ký hồ sơ phát hành trái phiếu, bị cáo đã làm việc với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để trả tiền lãi cho các trái chủ trong 2 năm đầu. Sau khi sự việc xảy ra thì bị cáo đã ý thức được sai lầm của mình, bị cáo đã trình Trương Mỹ Lan về kế hoạch bán tài sản có giá trị của công ty để lấy tiền trả cho trái chủ. Bên cạnh đó, bị cáo cũng có đóng góp một phần nhỏ là 100 triệu đồng vào tài khoản cơ quan chức năng để nhằm khắc phục hậu quả”, bị cáo Tuấn nói.

Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi đối với bị cáo Trần Thị Lan Chi (Kế toán trưởng Công ty Setra). Theo bị cáo Chi, với vai trò là kế toán trưởng của công ty, bị cáo nhận thức được việc của mình làm là sai. Bị cáo rất hối hận, bởi lúc làm việc thì không ý thức được sẽ gây ra hậu quả đối với nhiều người như vậy.

Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, cụ thể là 36 triệu đồng/tháng. Bị cáo không được ai hứa hẹn hay hưởng lợi gì từ việc làm này. Hiện tại, bị cáo cũng đã vận động người nhà để nộp tiền nhằm khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thị Lan Chi trực tiếp lập, ký và trình Trần Văn Tuấn ký 11 chứng từ ủy nhiệm chi để Công ty Setra chuyển 2.000 tỷ đồng đến tài khoản Công ty VIPD. Đồng thời, trình Trần Văn Tuấn ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần Khang Thành Phú cho các cá nhân được thuê đứng tên.

Điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Setra từ lỗ thành có lãi và sao chụp, gửi thư điện tử cho Phạm Hoa Đăng (Công ty Kiểm toán A&C). Sau đó Công ty Kiểm toán A&C đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, giúp cho cho Công ty Setra phát hành trái phiếu năm 2020 theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.

Từ những việc làm trên, Trần Thị Lan Chi đã giúp sức cho Trịnh Quang Công (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý ACUMEN) và Trần Văn Tuấn đồng phạm với Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền Công ty Setra phát hành trái phiếu là 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Tin liên quan
Tin khác