Tại hội thảo "Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon" do Tạp chí Xây dựng tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2024 vừa qua, Fico-YTL là 1 trong 2 đơn vị xi măng được chia sẻ và kiến nghị đến các cơ quan ban ngành liên quan về hướng chuyển đổi xanh khả thi cho ngành xi măng Việt, nổi bật như đề xuất quy hoạch cơ cấu ngành, quy hoạch vùng đến thúc đẩy công bố tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia.
Hội thảo "Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon" |
Thực trạng của ngành xi măng Việt Nam và áp lực chuyển đổi xanh
Theo nội dung phát biểu của Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công Nghệ và Môi trường (Bộ Xây Dựng), Việt Nam hiện có 80 cơ sở sản xuất xi măng và 92 dây chuyền sản xuất clinker, sản xuất ra 122,34 triệu tấn xi măng mỗi năm. Thống kê ngành xi măng năm 2023, để sản xuất 1 tấn clinker thì cần tới 800 kcal năng lượng nhiệt và 95 kWh năng lượng điện. Đây là con số rất lớn khi xét đến lượng khí thải CO₂ mà ngành xi măng thải ra môi trường, gây áp lực lên các doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi xanh hướng đến Net Zero Carbon.
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tại hội thảo, Phó Viện Trưởng Viện Vật Liệu Xây Dựng, Tiến sĩ Hoàng Hữu Tân chia sẻ theo mục tiêu quốc gia, đến năm 2025, các cơ sở sản xuất xi măng tại Việt Nam sẽ phải thực hiện kiểm kê và báo cáo khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần. Bên cạnh đó, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày phải được trang bị hệ thống tận dụng nhiệt thải khí để tiết kiệm năng lượng.
Với lộ trình hướng tới năm 2050, ngành xi măng Việt Nam đặt mục tiêu giảm dấu chân carbon xuống mức 550 kg CO₂/tấn xi măng. Để đạt được mục tiêu này, từng bước giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất là yếu tố thiết yếu. Cụ thể, đến năm 2025, ngành xi măng sẽ cố gắng giảm tiêu hao nhiệt năng xuống dưới 730 kcal/kg clinker và tiêu hao điện năng xuống dưới 90 kWh/tấn xi măng. Đến năm 2030, các con số này sẽ tiếp tục giảm, với mục tiêu tiêu thụ nhiệt năng dưới 700 kcal/kg clinker và điện năng dưới 80 kWh/tấn xi măng.
Ngoài việc giảm tiêu thụ năng lượng, ngành còn hướng đến việc sử dụng tối thiểu 20% tro bay làm nguyên liệu thay thế vào năm 2025, và tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm thiểu lượng chất thải đưa vào môi trường.
Có thể thấy, ngành xi măng Việt Nam đã đặt ra lộ trình phát triển xanh rõ ràng từ nay đến năm 2050, với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, vào năm 2025, các cơ sở sản xuất xi măng sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu thay thế. Đến năm 2030, ngành xi măng sẽ tiếp tục giảm phát thải và tăng cường sử dụng các nguyên liệu tái chế. Mục tiêu cuối cùng vào năm 2050 là giảm dấu chân carbon xuống còn 550 kg CO₂/tấn xi măng. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các giải pháp bền vững.
Kiến nghị của Fico-YTL - đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh cho lộ trình phát triển bền vững ngành xi măng Việt
Là một trong vài đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh trong ngành xi măng Việt Nam, Fico-YTL đã đưa ra các kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Đại diện Fico-YTL phát biểu kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh |
Kiến nghị của Fico-YTL nêu một số điểm chính:
Thứ nhất là, thiết lập cơ cấu ngành bền vững. Fico-YTL kiến nghị rằng cần có sự điều tiết cung cầu hợp lý cho toàn ngành xi măng. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành cần có định hướng chuyển đổi xanh, cụ thể, học hỏi từ các mô hình quốc tế thành công như Trung Quốc. Bên cạnh đó, quốc gia cần phân bổ nguồn xi măng phù hợp theo vùng nhằm tối ưu hóa hiệu quả của dây chuyền sản xuất clinker và xi măng. Việc tái phân bổ này còn giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi xanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả và giúp các doanh nghiệp xi măng tại Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên trường thế giới.
Thứ hai, Fico-YTL khuyến nghị nên ưu tiên sử dụng xi măng hỗn hợp (PCB) thay vì xi măng Portland (OPC) truyền thống cho các công trình giao thông. Loại xi măng này không chỉ giảm lượng clinker cần sử dụng mà còn giúp giảm lượng phát thải CO₂ trong quá trình sản xuất. Một ví dụ cụ thể như dự án cầu Ba Lai hiện đang qui định xi măng Portland cho toàn bộ công trình. Theo đề xuất từ Fico-YTL, phần ngầm có thể cân nhắc sử dụng xi măng hỗn hợp bền xâm thực (như sản phẩm xi măng xỉ Supreme Shield) thay vì xi măng Portland: vừa tốt hơn cho ứng dụng, vừa thân thiện hơn với môi trường mà giá cạnh tranh như nhau.
Đề xuất thứ 3 chính là việc khuyến khích đồng xử lý chất thải trong sản xuất xi măng. Bằng cách tận dụng năng lực đồng xử lý của ngành xi măng, các nhà máy có thể sử dụng các loại chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế cho than hoặc dầu. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải tại địa phương, giảm bớt gánh nặng cho các bãi rác. Với cách tiếp cận xem chất thải là tài nguyên của ngành xi măng, bộ phận quản lý chất thải HEVEA của xi măng Fico-YTL ứng dụng công nghệ đồng xử lý chất thải này trong quy trình nung clinker giúp hạn chế phát thải CO2 và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, dầu làm chất đốt.
Đề xuất cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Fico-YTL nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia. Việc này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng trong nước áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong các công trình, tạo ra không gian sống bền vững cho cộng đồng. Các tiêu chuẩn công trình xanh cũng sẽ là kim chỉ nam để các doanh nghiệp xi măng cung cấp sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các dự án xây dựng xanh trong và ngoài nước.
Những kiến nghị của Fico-YTL tại hội thảo đã tạo ra một tiền đề quan trọng cho ngành xi măng Việt Nam trong hành trình chuyển đổi xanh. Ngành xi măng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi và phát triển bền vững. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp như Fico-YTL sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình này, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển xanh và giảm phát thải.
Tìm hiểu thêm về Xi măng Fico-YTL tại: https://fico-ytl.com/media