“Nhẹ tay” xử sai phạm
Gần đây, nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành về đầu tư công, chấp hành pháp luật trong đấu thầu ở các địa phương đã điểm mặt hàng loạt sai phạm trong đấu thầu, nhưng trong các kết luận thanh tra, đặc biệt là phần kiến nghị xử lý sai phạm liên quan đến khâu lựa chọn nhà thầu, đa phần chỉ là hình thức “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”. Cần nhấn mạnh ngay rằng, bên mời thầu, nhà thầu là những chủ thể nắm vai trò chính tại các cuộc “đá luật”, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính công bằng, minh bạch và kết quả là, sân chơi thầu bị thiên lệch.
Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An vừa công bố kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật với các dự án đầu tư xây dựng do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Kiến Tường (Ban Quản lý) làm chủ đầu tư. Theo đó, Ban Quản lý không trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu đúng theo quy định của Luật Đấu thầu đối với hạng mục “nguồn điện vào trụ sở công trình Trụ sở UBND Phường 3 (thị xã Kiến Tường)”; không thực hiện các kiến nghị của cơ quan thẩm định kế hoạch đấu thầu để hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu cũng như khi thương thảo hợp đồng...
Với những vi phạm nêu trên, Ban Quản lý bị cơ quan thanh tra kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng và… “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Tương tự, sau khi thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu thầu gói thầu thi công xây dựng đoạn km0 - km5+187 đường Tân Tập - Long Hậu - Quốc lộ 50 - Cảng Long An, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An xác định những khiếm khuyết sau: Hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu phải cung cấp giấy xác nhận không nợ thuế nhà nước của cơ quan thuế là chưa rõ ràng, bên mời thầu chưa xác định rõ "không nợ thuế" và "hoàn thành nghĩa vụ thuế", dẫn đến đánh giá hồ sơ dự thầu chưa chính xác; quy định về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng, quy định về xác nhận đóng bảo hiểm xã hội của nhân sự chủ chốt là không cần thiết. Với những hạn chế này, Thanh tra kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Long An “rút kinh nghiệm”.
Tại tỉnh Đồng Nai, sau khi tiến hành thanh tra tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư phát hiện nhiều sai sót. Và cũng như hai trường hợp kể trên tại tỉnh Long An, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đề nghị phạt hành chính, hủy thầu, thay đổi chủ đầu tư và nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Băn khoăn điệp khúc “rút kinh nghiệm”
Cần khẳng định ngay rằng, hàng năm, cả nước có không ít gói thầu vi phạm, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đấu thầu, nhưng các vụ vi phạm được xử lý thấu đáo, trong đó, hình thức cấm thầu có thời hạn rất ít được áp dụng.
Nếu các cá nhân, tổ chức không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, thì người nào thực hiện một trong những hành vi: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;… gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015
Qua khảo sát, phóng viên Báo Đầu tư thấy rằng, trong giai đoạn từ năm 2010 tới tháng 7/2018, chỉ có 99 tổ chức, cá nhân bị nêu tên và cấm thầu có thời hạn. Cũng theo cập nhật trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia trong 3 năm gần nhất cho thấy, năm 2016 có 12 lượt nhà thầu bị cấm tham gia đấu thầu có thời hạn, con số này trong cả năm 2017 là 19 lượt nhà thầu, trong 8 tháng đã qua là 27 lượt nhà thầu.
So sánh những con số này với tổng số khoảng hơn 200.000 gói thầu được thực hiện hàng năm, thì tỷ lệ nhà thầu vi phạm là hết sức lý tưởng. Vậy tỷ lệ lý tưởng này cần được hiểu như thế nào? Chỉ có thể diễn giải theo 2 cách: hoặc là môi trường đấu thầu của Việt Nam đã đạt chuẩn về sự công bằng, minh bạch, cạnh tranh, nên hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu không còn đất dung thân; hoặc là, các hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu được dung dưỡng, che đậy, nên không dễ bị các cơ quan quản lý nhà nước phát giác và xử lý thấu đáo bằng chế tài nghiêm khắc.
Theo dõi thực tiễn đời sống đấu thầu thời gian gần đây, nhiều nhà thầu bày tỏ quan điểm thiên về cách hiểu thứ hai. Cách hiểu này không phải thiếu cơ sở, bởi chỉ đơn cử một vài địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Đồng Nai… thì thấy rõ. Gần đây, tại các địa phương kể trên đều có nhiều vụ việc khiếu kiện lình xình liên quan tới đấu thầu. Tuy nhiên, qua ghi nhận báo cáo đấu thầu thường niên tại các địa phương này, phóng viên Báo Đầu tư nhận thấy, có rất ít các vụ sai phạm được điểm mặt, chỉ tên. Hàng năm, mỗi tỉnh chỉ có lác đác một vài trường hợp nhà thầu, chủ đầu tư bị cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi” sau các cuộc thanh, kiểm tra định kỳ.
Chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải cho rằng, chế tài với những vi phạm đấu thầu được Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật quy định rõ ràng, nhưng nhiều địa phương chưa vận dụng quyết liệt và có phần mang tính hình thức trong xử lý sai phạm. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, nhưng chỉ tiến hành phạt hành chính và rút kinh nghiệm, mà không áp hình thức có tính răn đe theo quy định của pháp luật đấu thầu.
Theo ông Hải, để khắc phục tình trạng này, rất cần sự mạnh tay của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó cần nêu cao trách nhiệm cá nhân lãnh đạo đứng đầu địa phương.