Các mức phạt dành cho lỗi quản trị công ty hiện nay chưa đủ sức răn đe |
Nhà đầu tư lúng túng bảo vệ lợi ích
Tháng 5/2017, một nhóm cổ đông đã gửi đơn khiếu kiện đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban Chứng khoán) về việc đơn vị liên kết của một công ty mà nhóm này đã thực hiện đầu tư chi phối (trên 51% vốn điều lệ) thông qua một Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông mà theo họ là bất lợi cho công ty họ đang đầu tư vào. Lý do có sự thông qua này là dù sở hữu lớn, nhưng nhóm cổ đông chưa được đưa đại diện của mình vào Hội đồng quản trị công ty này do doanh nghiệp chưa tổ chức họp ĐHCĐ.
Tuy nhiên, việc gửi đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán, cơ quan quản lý cao nhất trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong trường hợp này, có vẻ chưa thực sự “đúng địa chỉ”.
Lý do là việc họp Đại hội đồng cổ đông được quy định và hướng dẫn bởi Luật Doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán dù quản lý các công ty đại chúng và những vấn đề trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng lại không phải đơn vị hướng dẫn các vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, để hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nhà đầu tư phải yêu cầu tòa án hoặc trọng tài. Điểm đáng nói hơn, việc yêu cầu này phải thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, hoặc Biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông.
Điều này được hiểu là nếu không thúc đẩy nhanh quá trình làm thủ tục pháp lý yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhà đầu tư có thể sẽ chứng kiến tình trạng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông sai, nhưng vẫn được áp dụng vì đã quá thời hạn 90 ngày.
Trong khi đó, để làm thủ tục hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ra tòa án, hoặc theo quyết định của trọng tài lại là điều không hề dễ dàng, với thời gian thủ tục kéo dài mà chưa chắc đạt được kết quả như mong muốn.
Những hệ lụy phát sinh sau đó, với các quyết định và giao dịch đã được ban hành, thực hiện xuất phát từ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông nói trên có thể sẽ khiến cổ đông, hoặc thậm chí doanh nghiệp rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khắc phục sự cố, chế tài xử phạt trong những trường hợp này lại không đủ sức răn đe.
Chế tài quản trị quá nhẹ?
Với việc có nhiều văn bản pháp lý mới ra đời, nhiều doanh nghiệp lần đầu chuyển sang mô hình công ty đại chúng nên mắc lỗi quản trị. Tuy nhiên, với những lỗi cố tình làm sai, thì dường như quy định pháp lý xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn khá nhẹ.
Tại một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, dù trong nhiều năm qua, giá cổ phiếu tăng chóng mặt với lợi nhuận liên tục duy trì ở mức cao, nhưng các nhà đầu tư tổ chức luôn cảm thấy e ngại khi nói đến doanh nghiệp này, do sự cố Ban lãnh đạo công ty cố tình chèn ép cổ đông ngoại nhiều năm trước, với nhiều thủ đoạn, bao gồm cả việc dọa hủy niêm yết…
Tình huống này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng căn cứ xử lý lại rất khó và ngay cả khi có thể xử lý được, thì mức phạt cũng quá thấp.
Theo quy định tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mức phạt với các hành vi vi phạm về quản trị công ty đại chúng tối đa 100 triệu đồng với các lỗi về quyền của cổ đông, bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, triệu tập họp và thông qua các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát. Các lỗi về cung cấp thông tin cho cổ đông, Ban Kiểm soát có mức phạt từ 30-50 triệu đồng…
Với mức phạt này, tính răn đe đối với doanh nghiệp, các cá nhân vi phạm là không lớn. Trong khi đó, những hệ quả có thể xảy ra, bao gồm ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư do tiếp cận không đầy đủ thông tin có thể tác động lên giá cổ phiếu, mất niềm tin về doanh nghiệp (với những trường hợp cố tình công bố thông tin sai lệch…), dù khó chứng minh, nhưng lại không hề nhỏ.