Theo Cục An toàn thực phẩm, đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Điểm công nghiệp Đan Phượng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) hơn 11 tỉ đồng với 6 hành vi vi phạm.
Xử phạt hơn 11 tỉ đồng Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển. |
Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển đã sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus" (số lô: 02.2022, NSX: 11/5/2022, HSD: 10/5/2025); "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo" (số lô: 01.2022, NSX: 26/2/2022, HSD: 25/2/2025); "Nio Slim hỗ trợ giảm béo" (trên nhãn không ghi số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng); "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" (số lô: 03.2022, NSX: 12/5/2022, HSD: 11/5/2025) mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP).
Doanh nghiệp này cũng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo"; "Nio Slim hỗ trợ giảm béo"; "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
Sản xuất thực phẩm "Kumiko slim" mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm và vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus".
Sử dụng chất cấm (Sildenafil, Sibutramine) trong sản xuất, chế biến thực phẩm, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus", sản phẩm "Stony bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý"; thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Giấm táo slim hỗ trợ giảm béo", có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng như ở trên.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm còn đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe 11 tháng kể từ ngày 1/3/2024 đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển.
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus 22 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Về vi phạm an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan công an 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; 1 vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe là hàng giả.
Về bảo đảm an toàn thực phẩm, theo Bộ Y tế, trong quý I/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 637 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 3 vụ, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn.
Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Được biết, theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng tăng so với năm 2022.
Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.
Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.
Vì vậy, để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.