Y tế - Sức khỏe
Xử trí thế nào khi test nhanh tại nhà phát hiện dương tính Covid-19?
D.Ngân - 11/12/2021 17:38
Hiện nay, nhiều người khi thấy dấu hiệu của Covid-19 đã mua test nhanh về sử dụng. Khi phát hiện dương tính thường luống cuống chưa biết xứ trí ra sao.

Việc người dân test nhanh khi thấy dấu hiệu của Covid-19 là cần thiết để phát hiện và có biện pháp ứng xử phù hợp.

Việc người dân test nhanh khi thấy dấu hiệu là cần thiết để phát hiện và có biện pháp ứng xử phù hợp.

Với băn khoăn của người dân về việc cần phải làm gì khi phát hiện test nhanh dương tính, Ths.Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Thanh Nhàn hướng dẫn, với những người test nhanh dương tính tại nhà, không nên hoảng hốt tự đi đến các bệnh viện để khám, gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng mà cần khẩn trương khai báo với y tế phường, trung tâm y tế nơi bệnh nhân sinh sống để được báo với CDC Hà Nội.

Trong thời gian chờ được cán bộ y tế phường xử lý sau khi phát hiện dương tính, người dân bình tĩnh, tự theo dõi, đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo chỉ số ô-xy trong máu (SpO2) bằng thiết bị kẹp đầu ngón tay, theo dõi các cảm giác như tức ngực, khó thở. Nếu có bất thường cần báo với nhân viên y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Theo hướng dẫn về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19, Hà Nội chia 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.

Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. 

Tầng này gồm người từ 50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin, không triệu chứng cần can thiệp y tế. 

Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vắc-xin; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. 

Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. 

Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, được tiếp nhận ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương..

Những ngày gần đây, F0 ở Hà Nội tăng nhanh, khoảng từ 300 cho tới hơn 800 ca. Cao điểm ngày 11/12, toàn Thành phố ghi nhận tới 863 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Hiện, Hà Nội ghi nhận 16 chùm ca bệnh phức tạp, trong đó, ổ dịch tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm được đánh giá là nóng nhất.

Được biết, hiện nay tại Việt Nam có nhiều loại test nhanh tại nhà đang được sử dụng. Còn trên thế giới, các loại test nhanh cũng đang được sử dụng rộng rãi.

Ưu điểm của loại home test là lấy dịch ở phía trong mũi khoảng 1,5 – 2 cm nên rất dễ sử dụng, không gây đau, nhất là là cho trẻ nhỏ (đối tượng chưa được tiêm chủng vắc-xin) cần theo dõi đặc biệt.

Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết bộ kit tự xét nghiệm cho kết quả trong vòng chưa đầy 20 phút. Giá bán lẻ dao động từ 10 - 13  đô la Singapore (170.000 - 220.000 đồng).

Ở Đức, bộ kit tự xét nghiệm nhanh tại nhà đã được bán ra từ tháng 3 và nhanh chóng hết sản phẩm trong vài giờ đầu tiên mở bán.

Theo báo Brussels Times, một bộ kit gồm 5 cái có giá 22 - 25 Euro (600.000 - 680.000 đồng) và cho kết quả trong vòng 15 phút, độ tin cậy khoảng 96%,

Tại Mỹ, dựa vào năng lực sản xuất của các hãng dược, chính quyền hy vọng phân phối hàng trăm triệu bộ xét nghiệm nhanh, sử dụng tại nhà, phòng khám địa phương đến các trường học trên toàn quốc.

Điều này giúp phát hiện ca nhiễm dễ dàng và ngăn chặn dịch bệnh sớm hơn. Các nhà bán lẻ cũng cung cấp kit test nhanh cho người dùng với mức giá thấp hơn hai phần ba so với bình thường trong ba tháng tới.

Nhà chức trách Mỹ cho hay, hiện nhu cầu xét nghiệm tại nhà cao hơn lên do biến thể mới, khi số ca nhiễm tăng lên chưa từng thấy kể từ đỉnh dịch vào mùa đông năm 2020.

Tại các quầy dược phẩm, cửa hàng tiện lợi loại home test phổ biến như QuickVue, Panbio và những sản phẩm từng được cơ quan y tế phê duyệt nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Tin liên quan
Tin khác