Tiêu dùng
Xuất khẩu cà phê cả năm 2022 có thể vượt 3,8 tỷ USD
Thế Hoàng - 08/12/2022 14:46
11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD và hoàn toàn có thể vượt mốc 3,8 tỷ USD vào cuối năm nay.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta. Riêng chủng loại cà phê này mang về hươn 2,5 tỷ USD trong 10 tháng 2022.

Theo Bản tin Thị trường Nông, lâm, thủy sản của Bộ Công thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 267 triệu USD, tăng 37,8% về lượng và tăng 29% về trị giá so với tháng 10/2022, so với tháng 11/2021 tăng 2,6% về lượng và tăng 9,9% về trị giá.

Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,53 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.425 USD/tấn, tăng 7,2% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.309 USD/tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu chủng loại, số liệu cập nhật 10 tháng, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng về lượng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ cà phê Excelsa.

Xuất khẩu cà phê Robusta trong 10 tháng năm 2022 đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 2,51 tỷ USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 35,7% về trị giá; xuất khẩu cà phê chế biến tăng 15,9%, đạt trên 541 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,0% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn, trị giá 219,4 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Excelsa giảm 17,9% về lượng, nhưng tăng 9,8% về trị giá, đạt 1,78 nghìn tấn, trị giá 4,38 triệu USD.

Tháng 11/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa ổn định. Ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta ổn định ở mức 41.000 - 41.600 đồng/ kg tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk; tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê Robusta tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 41.600 đồng/kg.

Giá cà phê thế giới tiếp tục giảm. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế, hệ quả từ việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn. Điều này tạo áp lực lên người tiêu dùng, chi tiêu cho các loại hàng hóa không thiết yếu bị cắt giảm.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, trong đó 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn thế giới là Hoa Kỳ và châu Âu, kinh tế rơi vào suy thoái. 

Trên sàn giao dịch London, ngày 28/11/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng tháng 1/2023, tháng 3/2023 và tháng 5/2023 giảm lần lượt 0,4%, 1,8% và 2,3% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 1.857 USD/tấn; 1.821 USD/tấn và 1.808 USD/tấn.

Sàn giao dịch BMF của Brazil ngày 28/11/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ tháng 12/2022, tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 giảm lần lượt 5,3%, 3,8%, 4,5% và 6,1% so với ngày 28/10/2022, xuống còn 200 Uscent/ lb; 203,5 Uscent/lb; 204,25 Uscent/lb và 202,55 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.917 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 16 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,8%) so với ngày 28/10/2022.

Bộ Công thương dự báo, thị trường cà phê toàn cầu tiếp tục chịu áp lực do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ chậm. Mặc dù vậy, thị trường cũng đã xuất hiện tín hiệu khả quan. Các Quỹ và đầu cơ quay lại mua vào khi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) điều chỉnh giảm sản lượng niên vụ cà phê 2022/2023 của nhiều nước sản xuất chính vì thời tiết bất lợi.

Theo báo cáo, USDA điều chỉnh sản lượng Bra-xin giảm 2,6% xuống mức 62,6 triệu bao; sản lượng Côlômbia giảm 3,1% xuống mức 12,6 triệu bao; sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 2,2% xuống mức 30,22 triệu bao (bao gồm 29,20 triệu bao cà phê Robusta, giảm 4,20% so với niên vụ 2021/2022 và 1,02 triệu bao cà phê Arabica, tăng 7,27% so với niên vụ 2021/2022).

Tin liên quan
Tin khác