Ảnh minh họa |
Động lực tăng trưởng
Năm 2021 đã đi qua với những thành tựu đáng nói về xuất khẩu, với kim ngạch đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020 (tương đương gần 54 tỷ USD), cao hơn rất nhiều so với kế hoạch được giao (4-5%). Kết quả này ít người dám mơ tới tại thời điểm quý III, khi cả nước oằn mình chống dịch, sản xuất đứt gãy, xuất khẩu của nhiều ngành chủ lực sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho hay, thời điểm kết thúc tháng 10, toàn ngành thủy sản chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm khoảng 8,4-8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm, tình hình khởi sắc rõ rệt, nhất là khi Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời, đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành. Kết thúc năm 2021, ngành này đã mang về 8,9 tỷ USD.
Cùng với hoạt động thu hút đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022. Tại hội nghị tổng kết năm 2021, Bộ Công thương cho biết, ngành này đặt mục tiêu năm nay với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7-8%.
Theo nhận định của các định chế tài chính lớn, các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố, kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 đối với Việt Nam vẫn khá tích cực. Trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021 công bố gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. ADB nhận định, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của Việt Nam.
“Những hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết đã và tiếp tục mở ra rất nhiều cơ hội cho tiếp cận thị trường xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước từ công nghiệp nông nghiệp đến dịch vụ”, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết.
Tạo chuyển biến thực chất
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 247,5 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (năm 2020 chiếm 27,7%).
“Xuất khẩu tăng mạnh, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Chúng ta nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định.
Ông Khánh nhấn mạnh, lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị, vì vậy xuất khẩu phát triển chưa thực sự bền vững và khi hàng hóa trên thị trường biến động, sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm, nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
Năm qua, xuất khẩu đã duy trì được mức tăng trưởng tốt ở các thị trường chủ lực, trong đó xuất khẩu với EU đạt 40,73 tỷ USD, tăng 14,2%; với Mỹ đạt 95,7 tỷ USD, tăng 24,2%; Nhật Bản 23 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc đạt 56,266 tỷ USD, tăng 15%; Hàn Quốc 22,125 tỷ USD, tăng 15,6%...
Với các thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU, dư địa với hàng Việt Nam còn rất lớn. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu dệt may đi Mỹ dù đạt 15 tỷ USD trong năm 2021, nhưng chưa thấm tháp so với nhu cầu nhập khẩu hơn 200 tỷ USD/năm tại đây.
Nông sản Việt vào EU cũng còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu 150 tỷ euro/năm của thị trường này. Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có dư lượng hóa chất vượt mức quy định của EU, đã bị thị trường này cảnh báo.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu sang EU, nhưng doanh nghiệp cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu.
Cụ thể, đối với thủy sản, cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến. Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây, cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…