Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam đưa ra nhận định, năm 2016, tình hình tiêu thụ hàng hóa dệt may trên thế giới không tăng trưởng, 6 tháng đầu năm đã âm 2% và điều này đang tạo ra khó khăn “kép” cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam.
2017 sẽ tiếp tục là năm chật vật về xuất khẩu của ngành dệt may, khi tổng cầu tiêu dùng hàng dệt may thế giới giảm. |
Dự báo, thị trường 6 tháng cuối năm có thể có điều chỉnh khá hơn. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo sẽ không có lợi thế cho dệt may Việt Nam về phương diện thị trường, thuế quan và vì ảnh hưởng của tổng cầu thế giới đến xuất khẩu dệt may Việt Nam
“Như vậy, năm 2016 và 2017 là 2 năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong 10 năm trở lại đây, vì vậy tất cả những người lãnh đạo các doanh nghiệp, những người làm thị trường 6 tháng còn lại của năm 2016 và công tác chuẩn bị thị trường năm 2017 cần phải trong tâm thế rất cao, không đứng yên chờ, nhất là chờ khách hàng truyền thống. Công tác thị trường cần phải được chủ động ở mức cao nhất”, ông Trường nói.
Ở cương vị Tổng giám đốc Vinatex, với gần 100 doanh nghiệp thành viên, ông Trường yêu cầu, trong thời gian tới, công tác sinh hoạt về thị trường sẽ được tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng quý bằng chương trình trực tuyến từ 4 đầu cầu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để bám sát mọi hoạtn động của doanh nghiệp 3 miền, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh..
Tập đoàn và Vitas sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành về chính sách, tạo ra sự ổn định về hành lang pháp lý cho ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu.
7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may chỉ đạt 13,15 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả thị trường xuất khẩu vốn được kỳ vọng nhiều và có mức tăng trưởng cao trước đây là Mỹ cũng chỉ đạt 6,52 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vấp phải hàng rào của các nước không nằm trong khối TPP, trong khi một loạt đơn hàng xuất khẩu bị đối tác chuyển sang Campuchia, Lào, Myanma…