Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, mang về 410 triệu USD. Ảnh: Đức Thanh |
Điểm sáng xuất khẩu gạo
Gạo là một trong số ít mặt hàng không bị tác động bởi dịch Covid-19 khi cả giá trị và sản lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 2/2020, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 372 triệu USD, tăng 20,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.
Về thị trường, Philippines đứng vị trí thứ nhất với 31% thị phần. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng liên tục tăng cao, như gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Giá gạo xuất khẩu tăng, kéo giá lúa trong nước cũng tăng theo, hỗ trợ tốt cho nông dân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đang gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo đã trở thành điểm sáng tăng trưởng. Trước đó, năm 2019, ngành gạo đã có một năm sụt giảm mạnh, "bốc hơi" 300 triệu USD so với năm 2018. Cụ thể, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 6,26 triệu tấn, chỉ thu về 2,75 tỷ USD, trong khi năm 2018 xuất 6,1 triệu tấn, nhưng mang về 3,06 tỷ USD.
Theo dõi ngành gạo nhiều năm, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam là do chúng ta đã đa dạng thị trường, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1) cho biết, gạo ít chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, bởi thị trường Trung Quốc không chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu gạo như trước kia.
Theo bà Tâm, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 477.000 tấn, trong tổng số xuất khẩu trên 6 triệu tấn, trong khi cách đây 5-6 năm, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu. “Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, nhờ vậy trong đợt dịch này, xuất khẩu gạo không chịu tác động nhiều”, bà Tâm nói.
Tăng tốc
Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Lương thực Miền Bắc bày tỏ lạc quan về triển vọng một số thị trường mới nổi thuộc khu vực châu Phi. Được biết, năm 2019, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 583.579 tấn, trị giá 252,6 triệu USD, tăng 111% về lượng và 61% về giá trị so với năm 2018. Một thị trường khác là Ghana cũng nhập khẩu gạo Việt Nam khá lớn, năm 2019 đạt 427.187 tấn với giá trị 212,65 triệu USD. Trong năm nay, các thị trường châu Phi có thể còn tăng khối lượng nhập khẩu so với năm trước.
Một tín hiệu vui, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang tiếp tục thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ - các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.
Ông Quế nhìn nhận, diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.
Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo năm 2020, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) cho biết, từ cuối năm 2019, xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu tăng trưởng khi nhu cầu của thế giới đã có sự thay đổi. Dịch Covid-19 chính là cơ hội để ngành gạo tăng tốc, khi nhiều nơi bị ảnh hưởng về lương thực, thực phẩm, nên Việt Nam có thể xuất khẩu đáp ứng nhu cầu. Thêm vào đó, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm nay sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt Nam sang EU khi thuế suất về 0%.
Từ đầu năm đến nay, Công ty Trung An đã xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn gạo (tăng trưởng mức hai con số) sang các thị trường Malaysia, Trung Đông, Thái Lan, Philippines, châu Âu… “Gạo là mặt hàng thiết yếu, dịch thì người tiêu dùng vẫn tiêu thụ và nhu cầu còn cao hơn, nhất là những nơi không trồng lúa hoặc có sản xuất nhưng chưa đủ đáp ứng”, ông Phạm Thái Bình nói.
Song, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn, chẳng hạn như việc thực hiện hợp đồng đã ký; ký kết hợp đồng tiếp theo; tiến độ giao nhận hàng hoá; tiến độ thanh toán; vòng quay vốn... bị xáo trộn không đúng như kế hoạch đã định. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp vay thêm vốn ngắn hạn ngoài hạn mức để doanh nghiệp vẫn có thể thu mua lúa gạo cho nông dân chuẩn bị lượng hàng xuất khẩu sau dịch. Giãn thời gian trả nợ gốc vì kế hoạch giao nhận hàng bị thay đổi và lãi suất được áp dụng theo đúng 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước đã quy định từ trước khi có dịch (tối đa 6%/năm).
Bộ Công thương dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2020 là 46 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2019; nhập khẩu gạo sẽ gia tăng tại Philippines, châu Phi cận Sahara và Indonesia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tận dụng, cạnh tranh về giá tại các thị trường.