Doanh nghiệp
Xuất khẩu gạo gặp khó ở khâu vận chuyển
Thế Hải - 19/08/2021 17:43
Do những khó khăn trong khâu vận chuyển, logistics, thiếu hụt nhân lực… vì ảnh hưởng của Covid-19, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục giảm cả lượng và trị giá, nếu không có ngay những giải pháp tháo gỡ.
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà máy chế biến lúa gạo bị thiếu nhân công, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu

Ách tắc ở khâu vận chuyển và thiếu nhân lực

Nhiều loại nông sản của nước ta, trong đó có mặt hàng gạo, đang gặp trở ngại trong hoạt động xuất khẩu. Nguyên nhân không phải vì thiếu đơn hàng, mà do Covid-19 bùng phát mạnh khiến vận chuyển gặp khó, thiếu nhân công thu hoạch lúa, nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất…

Chia sẻ tại buổi làm việc trực tuyến giữa Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công thương với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp về vấn đề thu mua, xuất khẩu gạo, nông sản tổ chức vào giữa tuần trước, Tập đoàn Intimex cho biết, những ách tắc trong khâu lưu thông, giao nhận hàng hóa đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex thông tin: “Nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua, thì tháng 8 doanh nghiệp phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy vậy, theo báo cáo của bên giao nhận, khả năng xuất được tối đa chỉ 30.000 - 35.000 tấn”.

Hiện nay chỉ có quy định “luồng xanh” trên đường bộ, còn đường thủy chưa rõ ràng, nên các địa phương áp dụng khác nhau, trong khi đó, 90% lúa gạo vận chuyển bằng đường thủy. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị Chính phủ và bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy và có sự thống nhất trong cả khu vực phía Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Về nguyên nhân chưa xuất được hàng, ông Nam chỉ ra 3 vấn đề lớn, gồm: các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho cảng tập trung đông người, nên không đủ nhân lực để bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container; không có tàu lớn phục vụ đơn hàng xuất đi châu Phi; xà lan khó di chuyển, bị giữ lại, không vào được cảng để bốc hàng.

Đại diện Intimex kiến nghị Bộ Công thương làm việc với các cảng và địa phương để gỡ những điểm nghẽn này, vì chỉ cần tắc ở một khâu, thì cả chuỗi cung ứng sẽ bị dừng lại.

Một khó khăn khác của doanh nghiệp xuất khẩu gạo được ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) chỉ ra, là vấn đề tồn kho. Trung An cũng đang chịu sức ép về tiến độ giao hàng trong tháng 8, do địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nếu hàng không giao được và dồn sang tháng 9, sẽ tạo áp lực rất lớn cho các khâu trong hoạt động xuất khẩu.

Gánh nặng cuối năm

Với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm, gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Những khó khăn kể trên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của riêng mặt hàng này, mà còn tác động tới kết quả xuất khẩu nông sản và kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất bán gần 3,6 triệu tấn gạo, trị giá 1,937 tỷ USD, sụt giảm 10,6% về lượng và 0,6% về trị giá (tương đương mức sụt giảm 12 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo, mức sụt giảm trong tháng 8 còn lớn hơn, do thu mua lúa gạo đang ách tắc, sản lượng thu mua sụt giảm 20 - 30% so với cùng kỳ; công suất chế biến tại nhiều nhà máy đạt thấp vì không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”; lượng gạo tồn kho cao do chưa xuất khẩu được vì vướng khâu lưu thông tại các cảng.

Ngoài tác động tiêu cực từ Covid-19 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, xuất khẩu gạo còn đang phải đối mặt với sự sụt giảm chung về giá trên thị trường thế giới.

Số liệu của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan hôm 12/8 giảm xuống còn 380 - 395 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 4/2019.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm cũng giảm xuống 354 - 358 USD/tấn. Còn tại Việt Nam, giá gạo tuần qua cũng giảm nhẹ, quanh mức 390 USD/tấn.

Hoạt động xuất khẩu gạo tại các quốc gia xuất khẩu lớn nhất là Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam chậm hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu và khó khăn về hậu cần do hạn chế di chuyển để phòng chống Covid-19.

Từ thực tế trên, có thể thấy, mục tiêu xuất khẩu 6,2 - 6,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,2 - 3,3 tỷ USD trong năm nay sẽ nặng nề hơn và phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Nếu những điểm nghẽn hiện tại không được tháo gỡ nhanh, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị thiệt hại đáng kể do chậm giao hàng đối với những hợp đồng đã ký.

Chưa kể, hoạt động mua tạm trữ lúa gạo cũng trở nên khó hơn khi các doanh nghiệp cạn vốn và gặp nhiều ách tắc, trong khi các giải pháp để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi chưa thực sự thuận lợi.

Để tháo gỡ các trở ngại về lưu thông cho doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng cũng như khâu logistics của ngành lúa gạo trên đường thủy và đường bộ; đồng thời, có chính sách hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa…

Tin liên quan
Tin khác