Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/8, nước ta xuất khẩu 5,351 triệu tấn gạo; kim ngạch đạt 2,883 tỷ USD, tăng trên 34,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng kim ngạch cao hiếm thấy so với cùng kỳ của xuất khẩu gạo, ngược chiều với tốc độ giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (giảm 10,3%) và của 38/44 mặt hàng xuất khẩu.
Xét về giá trị, mức tăng xuất khẩu gạo so với cùng kỳ đạt 745 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Mới qua 2/3 thời gian của năm, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo đã cao hơn quy mô cả năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu gạo tăng do cả 2 yếu tố: lượng tăng và đơn giá xuất khẩu tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 15/8, lượng xuất khẩu gạo tăng 23,8%; đơn giá tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Gạo Việt được xuất khẩu tới gần 30 thị trường trên thế giới, trong đó có 14 thị trường đạt trên 10 triệu USD, với trên 10.000 tấn.
Sáu thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt là Philippines (985 triệu USD), Trung Quốc (414 triệu USD), Indonesia (299 triệu USD), Gana (184 triệu USD), Bờ biển Ngà (159 triệu USD) và Malaixia (114 triệu USD).
Chỉ tính riêng 6 thị trường này đã đạt 2,155 tỷ USD (chiếm 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước), với 3,501 triệu tấn (chiếm 71,5% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước).
Từ kết quả trên, có thể kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đạt kỷ lục mới. Theo tính toán, nếu lượng gạo bình quân 1 tháng trong các tháng còn lại của năm 2023 bằng mức của tháng 6 (618.000 tấn), thì cả năm 2023 sẽ đạt 8,132 triệu tấn, vượt kỷ lục của năm 2012 (8,016 triệu tấn).
Dự báo này là có cơ sở, khi xét trên quan hệ cung - cầu lương thực hiện nay. Sản lượng lúa có thể vượt 43 triệu tấn, quy gạo đạt trên 21,5 triệu tấn. Tiêu dùng nội địa trong 1 năm gồm: phục vụ nhu cầu ăn của người dân khoảng 8,3 triệu tấn gạo (bình quân khoảng 6,9 kg gạo/người/tháng), quy thóc bằng 16,5 triệu tấn; lương thực khác quy gạo khoảng 1,2 kg người/tháng; phục vụ chế biến khoảng 9,5 triệu tấn; làm giống khoảng 1 triệu tấn. Tổng cộng nhu cầu tiêu dùng nội địa khoảng 27 triệu tấn thóc.
Như vậy, sản lượng thóc còn lại khoảng 16 triệu tấn, quy gạo khoảng 8 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngoài gạo sản xuất trong nước, Việt Nam còn một lượng gạo nhập khẩu hàng năm, cộng với một số loại lương thực khác, nên không lo thiếu gạo.
Về đơn giá xuất khẩu, nếu bình quân các tháng cuối năm đạt bằng mức nửa đầu tháng 8 (582,5 USD/tấn), với dự báo lượng xuất khẩu các tháng còn lại của năm 2023 đạt khoảng 2,780 triệu tấn (bình quân 618.000 tấn/tháng), thì kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 sẽ đạt 4,5 tỷ USD, với đơn giá xuất khẩu bình quân cả năm đạt 553,7 USD/tấn, vượt kỷ lục 527,2 USD/tấn đã đạt được vào năm 2021.
Nếu kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 4,5 tỷ USD, thì kết quả này sẽ cao hơn 1 tỷ USD so với năm 2022 và cao hơn kỷ lục đã đạt năm 2012 khoảng 800 triệu USD.