Tiêu dùng
Xuất khẩu hàng hóa báo hiệu một năm bội thu
Thế Hoàng - 09/03/2024 09:34
Những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc xuất hiện ngay từ đầu năm, báo hiệu một năm bội thu với nhiều ngành hàng chủ lực.
Nhiều ngành hàng của Việt Nam, đặc biệt là trái cây có cơ hội xuất khẩu mạnh trong năm 2024

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao

Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 3/2024, Đoàn lãnh đạo và 50 doanh nghiệp thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) sẽ sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, kết nối các nhà cung ứng thuộc nhiều lĩnh vực.

Cũng trong tháng 3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Trung Quốc, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội kinh doanh xuất nhập khẩu và đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại Quảng Châu, Trùng Khánh, Thành Đô.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư kinh doanh của hai nước, trong nỗ lực tìm kiếm thêm các đơn hàng xuất nhập khẩu và thúc đẩy thương mại.

Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Từ nhóm hàng công nghiệp như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị, hàng dệt may, giày dép, cho tới nông thủy sản (đặc biệt là gạo, rau quả, tôm cá...) đang đón nhận những đơn hàng xuất khẩu dài hơi từ các nhà mua hàng nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực, đồng nghĩa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Hiện một số doanh nghiệp điện tử, nông sản xác nhận đã có đơn hàng cho nửa đầu năm 2024, với trị giá đơn hàng tăng 10 - 30% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã có một năm kinh doanh khá thành công với thị trường Trung Quốc, đặc biệt, nhờ việc sầu riêng được xuất chính ngạch, doanh nghiệp đã mang về doanh thu tăng gấp đôi so với năm 2022.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2024 và điểm đến quan trọng vẫn là Trung Quốc.

Chỉ sau hơn 1 năm xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư mà hai nước ký kết, doanh thu xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,3 tỷ USD, hơn 90% trong số này bán sang Trung Quốc, qua đó, nhiều doanh nghiệp như Chánh Thu, Ameii, Vina T&T… đã xây dựng được thương hiệu với đối tác.

Ước tính, dung lượng thị trường sầu riêng Trung Quốc lên tới 20 tỷ USD vào năm 2025, tạo dư địa lớn cho sầu riêng nếu phát triển theo hướng bền vững, tuân thủ quy định trong Nghị định thư đã ký.

Đơn hàng xuất khẩu về nhiều, giúp các ngành hàng tăng tốc ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024. Số liệu thống kê cho hay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 4,55 tỷ USD, tăng 17,28% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ dấu tích cực là trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc thông thoáng, không hề có hiện tượng ùn ứ.

Theo ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn: “Xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tại địa phương rất sôi động, chủ yếu là hàng nông sản, trái cây. Bình quân những ngày giáp Tết, khoảng gần 400 xe/ngày và không còn xe nào ùn lại vào 30 Tết”.

Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong đó, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD), là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm.

Hàng Việt có cơ hội tăng tốc

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE (từ ngày 26/2 đến 29/2), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Hai bộ trưởng khẳng định, quan hệ tốt đẹp về kinh tế - thương mại đã được thể hiện trong việc duy trì đường biên mở, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Nhờ vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng trưởng dương 6,4%, trong bối cảnh chung thương mại toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam và Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là nhà cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc.

Ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực, đồng nghĩa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các nhà cung ứng ở xa.

Hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc được duy trì ổn định, dự báo đạt kết quả tốt so với mặt bằng chung quan hệ thương mại của Trung Quốc với đa số các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Trong các hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo Trung Quốc sẽ ưu tiên hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Để tận dụng tốt dư địa thị trường có sức mua lớn, nhưng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe, không kém gì châu Âu, Mỹ… nhà xuất khẩu trái cây Chánh Thu khẳng định, sẽ tiếp tục củng cố chất lượng nông sản.

Doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk để thu mua, đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu như sầu riêng, chanh dây, khoai lang, chuối, đến thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia…, cũng như sản xuất, chế biến các loại trái cây cấp đông xuất khẩu.

Hiện các doanh nghiệp đang chuẩn bị hậu cần tốt nhất để trong năm 2024, khi Trung Quốc mở cửa nhập chính ngạch dừa tươi từ Việt Nam là có thể tiến hành xuất khẩu ngay, cũng như chờ đợi tin vui về cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, sầu riêng chế biến. Khả năng có thêm hàng tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu các mặt hàng này không xa.

Tin liên quan
Tin khác