Tiêu dùng
Xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 đạt mức cao nhất trong một năm qua
Thế Hoàng - 07/09/2023 10:30
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng 7, đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây.

Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 8 tiếp tục khởi sắc khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Đây là kết quả của việc triển khai các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, Báo cáo hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 8 tháng của Bộ Công thương cho hay.

Trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.

Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.

Do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm làm giảm cầu thế giới trong 8 tháng năm 2023 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu 227,7  tỷ USD, giảm 10%; nhập khẩu 207,52 tỷ USD, giảm 16,2%, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Theo Bộ Công thương, điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%).

8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỷ USD), nhóm nông thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỷ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỷ USD).

Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%; giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...

Hết 8 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).

Hoạt động xuất khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố như lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Ngoài ra, việc Trung Quốc, thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam có động thái đã hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế, cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.

Lưu ý với các ngành hàng xuất khẩu, và doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết, xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, khi các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

Năm 2023, ngành Công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với 2022, tức kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu.

Tin liên quan
Tin khác