Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, xuất khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI. |
Thông tin này được ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các Cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí".
Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Năm 2022, tăng trưởng sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam đạt 16,5% so với năm 2021.
Cụ thể, đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn chưa nhiều; những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 15 lần so với năm 2010.
Trong đó, thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI ước đạt 42,58 tỷ USD, tăng 19,74% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng gần 93% (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: "Giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành cơ khí khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động".
Song, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.
Bên cạnh đó, dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam: "Qua làm việc thực tế, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế; chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh"'.
Hiệp hội cơ khí đề xuất Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường, Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với các nhà mua hàng nước ngoài.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, thị trường sản phẩm cơ khí từ đầu năm đến nay suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30-40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất.
Chia sẻ với các DN cơ khí Việt Nam, ông Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: "Nhật là thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này".
Nhật Bản hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN.
Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao tuy nhiên ở đất nước có tỷ lệ già hoá dân số việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất, DN Việt cần nắm bắt cơ hội này.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, sau Hội nghị, Bộ Công thương sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu ngành cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước và xuất khẩu.