Doanh nghiệp
Xuất khẩu nông sản gặp khó vì dịch Corona
Hồng Phúc - 04/02/2020 17:52
Trước tác động từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV), các doanh nghiệp nông, thuỷ sản Việt Nam gặp khó trong việc thông quan sản phẩm đến thị trường Trung Quốc và đang nỗ lực mở rộng thị trường, từng bước nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.
Người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc dừng thông quan do ảnh hưởng bởi dịch Corona

Bị hủy đơn hàng

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản, trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, cao su, thủy sản...

Virus corona bùng phát ở Trung Quốc khiến các đối tác nhập khẩu nước này hủy bỏ những đơn hàng đã ký kết trước đó, khiến hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp Việt sang thị trường này gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) cho biết, hàng trăm container trái cây của Việt Nam, nhiều nhất là thanh long, xuất sang Trung Quốc đã phải quay đầu về. Cơ quan chức năng thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ (cửa khẩu) thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2/2020 (trừ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Công ty Chánh Thu đã phải bán tháo các loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn ngày như thanh long tại Hà Nội, số còn lại mang về sản xuất sản phẩm chế biến. Theo bà Vy, hiện vẫn còn một số container  thanh long, một số doanh nghiệp tồn hàng, đã đặt cọc với nông dân và đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Nếu dịch kéo dài, việc thông thương tại các cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc bị hạn chế, chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Đại diện một doanh nghiệp trong ngành thuỷ sản tại phía Nam cho biết, một số tỉnh, thành phố gần Vũ Hán cũng đã ra quyết định tạm ngừng nhập các sản phẩm như thuỷ sản. Do đó, doanh nghiệp này đang phải khai thác lại những khách hàng cũ, đồng thời nỗ lực tìm kiếm các thị trường khác.

“Tình hình dịch bệnh sẽ tạo áp lực lớn cho tăng trưởng, nhưng chúng ta không nên hoang mang”, đại diện doanh nghiệp thủy sản này chia sẻ.

Nhanh chóng thực hiện truy xuất nguồn gốc

Vina T&T Group không xuất khẩu bất kỳ loại trái cây nào sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên, theo đại diện công ty này, tất cả doanh nghiệp nội địa trong ngành đều chịu ảnh hưởng từ dịch Corona ở những mức độ khác nhau.

“Khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, thương lái hai bên không thể giao thương, gần như tất cả nông sản bị đóng băng. Cùng với đó, người tiêu dùng tại các thị trường khác như Mỹ, Australia, Canada… cũng hạn chế nhu cầu tiêu thụ”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ. Cũng theo ông Tùng, những loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn như thanh long đỏ, xoài cát Hòa Lộc sẽ bị ảnh hưởng lớn và rớt giá mạnh hơn các loại trái cây khác. Đơn cử, thời điểm hiện tại, giá thanh long đã giảm hơn 4 lần so với cuối năm 2019.

Từ mùng 2 Tết đến nay, Vina T&T đã xuất được 80 tấn thanh long, 54 tấn nhãn, 80.000 trái dừa. Trong những ngày tới, các đơn hàng đã ký sẽ tiếp tục được xuất đi, nhưng ông Tùng cũng tỏ ra rất thận trọng. “Tình hình thị trường rất khó đoán trước những diễn biến của dịch Corona”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, không phải đến khi dịch Corona bùng phát thì hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc mới gặp khó khăn.

Thông tin từ Bộ Công thương, từ năm 2018, hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm - kiểm dịch của Trung Quốc được sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nước này cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...

Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và có xu hướng giảm trong 2 năm trở lại đây, sau nhiều năm tăng trưởng khá. Nông sản Việt Nam chưa đạt các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc được xem là vướng mắc lớn nhất với thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Ông Ưng Thế Lãm, người có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính dự báo: “Do ảnh hưởng từ dịch Corona, người trồng/xuất khẩu thanh long trước mắt chịu ảnh hưởng từ việc dừng thông quan. Về dài hạn, họ sẽ còn trầy trật với yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ thị trường Trung Quốc”.

Nhiều năm qua, ông Lãm luôn trăn trở về vấn đề truy xuất nguồn gốc trong suốt quá trình làm việc, hợp tác với nông dân trồng thanh long. Thời gian gần đây, ông tập trung vào công tác tư vấn, hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Theo ông Lãm, một số phần mềm truy xuất sản phẩm hiện nay chưa đáp ứng đúng yêu cầu, bởi dân công nghệ khi viết phần mềm không hiểu về nghiệp vụ trồng trọt và không dễ tìm tiếng nói chung khi làm việc với nông dân.

“Phần mềm quét mã chỉ cho biết hàng đã được vận chuyển từ kho A đến kho B, bán cho đơn vị nào xuất/nhập khẩu. Trong khi đó, mục đích của truy xuất nguồn gốc phải cung cấp thông tin thời gian gieo trồng, lượng phân/thuốc, thu hoạch, bảo quản… Nhiều sản phẩm cũng có phần mềm đã quét truy xuất, nhưng khi đến hải quan vẫn không được chấp nhận thông quan bởi thiếu thông tin”, ông Lãm cho biết thêm.

Cùng với việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, việc minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc sẽ là tấm “giấy thông hành” cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt, không chỉ vào thị trường Trung Quốc, mà còn tới các thị trường xuất khẩu trên thế giới.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mã số vùng nuôi - trồng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho 1.749 vùng trồng quả tươi và 1.200 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam đã từng bước thích nghi và chuyển hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính quy, bài bản, giảm dần và tiến tới chấm dứt xuất khẩu theo hình thức “trao đổi” của dân cư.

Tin liên quan
Tin khác