Thời sự
Xuất khẩu sắn lao đao vì Trung Quốc siết chặt nhập khẩu
Phương Anh - 05/06/2019 15:35
Sau gạo, trái cây, sắn là mặt hàng tiếp theo bị Trung Quốc siết chặt nhập khẩu.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng 2019 ước đạt 414 triệu USD, giảm 17,6 % về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm ước đạt 1,08 triệu tấn tương ứng với 414 triệu USD, giảm 17,6 % về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm, chiếm tới 89,2%, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm là bởi xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên cả hai kênh xuất khẩu chính ngạch và biên mậu. Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, tạm ngưng xuất khẩu.

Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Cục này cũng dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu. Tình trạng này được dự đoán sẽ kéo dài đến hết quý II năm nay.

Thế nhưng, sắn và sản phẩm từ sắn không phải là mặt hàng duy nhất bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Trước đó, thị trường đông dân nhất trên thế giới này cũng tăng cường các rào cản với mặt hàng gạo, trái cây Việt xuất khẩu.

Theo đó, từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng nhiều hàng rào như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm. Chưa kể, trong 150 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu gạo, Trung Quốc chỉ cho phép 20 doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới, dẫn đến việc bán gạo cho nước này gặp khó khăn.

Thực tế, khối lượng gạo Việt xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 2,83 triệu tấn, giá trị đạt 1,21 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng và giảm tới 20,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Theo Tổng Cục hải Quan, thay vì thứ nhất, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 7 trong những quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam 2 tháng đầu năm.

Tương tự, việc Trung Quốc đẩy mạnh truy suất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng, phải đăng ký mã số vùng trồng, yêu cầu làm thông quan tại các cửa khẩu chỉ định… khiến ngành hàng xuất khẩu rau quả, đặc biệt là trái cây của nước ta cũng lao đao.

Chính vì vậy dự báo, trong thời gian tới, các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu. Xét riêng về mặt hàng tinh bột sắn và sắn lát, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của Trung Quốc cũng đang trong mùa thấp điểm nên xuất khẩu tinh bột sắn dự đoán sẽ vẫn thấp đến hết quý II.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn qua kênh biên mậu.

Tin liên quan
Tin khác