Các thủ tục mở cửa thị trường với quả chanh leo đang được Việt Nam và Australia tích cực thực hiện. Ảnh: .Đ.T |
Xuất khẩu tăng tốc
Không lâu nữa, Việt Nam sẽ có thêm khu vực thị trường xuất khẩu chục tỷ USD, đó là châu Đại Dương với 2 điểm đến là Australia và New Zealand. Ngày này sẽ nhanh tới bởi cú hích từ sự kiện nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia và việc ký kết Bản thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại Việt Nam - New Zealand vừa diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm hai quốc gia này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Năm 2022, thương mại của Việt Nam với thị trường châu Đại Dương đạt 17,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 6,3 tỷ USD, nhập khẩu trên 10 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam nhập siêu. Năm 2023, chịu ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu, dòng chảy thương mại chậm lại, xuất khẩu sang khu vực này giảm 2 tỷ USD, còn 15,54 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,3%, giảm 11,5%.
Có tới 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Đại Dương được tạo bởi thị trường Australia, còn New Zealand chỉ chiếm khoảng 10%. Như vậy, kỳ vọng mới về thương mại với khu vực này sẽ tập trung vào Australia với khoảng 26,5 triệu dân.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Australia năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Australia giảm 5,3%, đạt gần 5,23 tỷ USD, nhập khẩu trên 8,53 tỷ USD, giảm 15,7%.
Dữ liệu của Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) cho thấy, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia và Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam vào năm 2023.
Nhận định về triển vọng thu hút đầu tư, thương mại hai nước thời gian tới, ông Simon Pugh, Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (Auscham) cho biết: “Chúng tôi đang có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam, với nền tảng sản xuất đa dạng, có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng này”. Tuy nhiên, để kết nối đầu tư, thương mại thực chất và tăng tốc mạnh hơn, ông Simon Pugh cho rằng, cần một nền tảng cụ thể để kết nối các cơ sở sản xuất của Việt Nam với chuỗi cung ứng của Australia.
Đối với thị trường New Zealand, dù trao đổi thương mại còn khiêm tốn, nhưng một bản thỏa thuận hợp tác về kinh tế, thương mại vừa được ký kết giữa Việt Nam - New Zealand. Thỏa thuận này sẽ củng cố cơ sở pháp lý, hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương lên 2 tỷ USD ngay trong năm 2024.
Với thỏa thuận trên, hai nước sẽ tích cực tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm; thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, bao gồm các hoạt động mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, hợp tác phòng vệ phương mại; hợp tác chặt chẽ và tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)…
Tận dụng tối đa các FTA
Báo cáo “Việt Nam và Australia: Sẵn sàng một giai đoạn mới” của HSBC mới phát hành nhấn mạnh: “Thương mại song phương Việt Nam - Australia đã bùng nổ trong một thập kỷ qua, tăng hơn gấp đôi lên 13,8 tỷ USD trong năm 2023 và vẫn còn nhiều dư địa để thương mại, cũng như đầu tư hai nước gia tăng mạnh hơn nữa, không chỉ là hàng hóa mà còn cả dịch vụ”.
Việt Nam, Australia và New Zealand đều là thành viên của 3 FTA gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA).
“Việt Nam và Australia có nhiều dư địa để gia tăng thương mại song phương, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác những lợi ích đến từ FTA để cân bằng lại cán cân thương mại”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Thời gian qua, các bộ chủ quản hai bên đã tích cực hợp tác trong quá trình thực hiện các thủ tục mở cửa thị trường với quả chanh leo. Hy vọng sau chanh leo, hồ sơ mở cửa cho quả bưởi sẽ sớm được xem xét. Việt Nam cũng đang nghiên cứu hồ sơ tiếp cận thị trường của quả mận và việt quất của Australia.
Với thị trường New Zealand, dù dân số chỉ hơn 5 triệu người, lại là thị trường khó tính, nhưng nếu hàng hóa, nhất là nông sản, vào được thị trường này là có thêm “giấy thông hành” để đến nhiều thị trường tiêu chuẩn cao. Lúc này, doanh nghiệp hai nước đang sẵn có nhiều điều kiện thuận lợi nhờ những thỏa thuận thương mại đã được ký kết.
Nhằm tận dụng các FTA đang có với Australia và New Zealand, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải không ngừng nâng cao kiểm soát chất lượng đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, ngặt nghèo hơn cả Mỹ và EU trong một số lĩnh vực.
Trong những nỗ lực chuẩn hóa sản xuất, đưa nông sản chất lượng cao xuất khẩu, Nhà máy chiếu xạ Toàn Phát thuộc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An) vừa thực nghiệm phân bố liều lượng chiếu xạ cho chanh dây tươi, đón đầu cơ hội xuất khẩu trái cây này sang thị trường Australia.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể nhập từ hai thị trường này nhiều hàng hóa nguyên, nhiên liệu, điển hình là nguồn cung than đá từ Australia. Trong năm 2023, nhập khẩu than các loại từ Australia đạt kim ngạch lớn nhất 3,28 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại từ thị trường này.
“Đại lộ” cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Đại Dương đã sẵn sàng, phần còn lại để xuất khẩu tăng tốc phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của các ngành hàng trong nước.