9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo giảm 15,7% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%) và thủy sản (17,8%) so với cùng kỳ năm 2014
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 428 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với 35,37% thị phần. Tám tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64% về khối lượng và giảm 8,74% về giá trị). So với tám tháng đầu năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2015 là thị trường Malaysia tăng 35,75% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,87% thị phần; thị trường Gana tăng 21,8% về khối lượng và tăng 16,15% về giá trị, đứng vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 77,56% về khối lượng và tăng 77,93% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị).
Xuất khẩu cà phê trong tháng 9 năm 2015 ước đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 14,41% và 11,46%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 năm 2015 đạt 100 nghìn tấn với giá trị đạt 131 triệu USD, với ước tính này 9 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 740 nghìn tấn, giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.451 USD/tấn, giảm 19,56% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ân Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015, chiếm 71,85% thị phần. So với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2015 tăng ở thị trường Trung Quốc (9,76%), còn lại đều giảm ở 9 thị trường chính.
Về thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2015 ước đạt 541 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,23% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 799,14 triệu USD, giảm 30,05% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 11,15% và 12,01%. Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng 18,94%) và Anh (tăng 18,81%).
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng 9 tháng đầu năm là hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, sắn và sản phẩm từ sắn.