Xuất khẩu tôm 2019 đặt mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỷ USD. |
Tiềm năng chưa phát huy hết
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kết thúc năm 2018, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 7,8% so với năm 2017, xuống 3,55 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch chỉ tăng trong 2 tháng 1 và 3, các tháng còn lại đều giảm.
Đánh giá thị trường tôm năm 2018, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, thời tiết không thuận lợi đã làm giảm lượng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, làm tăng lượng tôm tồn kho (nhất là ở giai đoạn đầu năm), là một trong những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu tôm sụt giảm.
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhưng sau một năm đầy sóng gió, sang năm 2019, xuất khẩu tôm vẫn chưa thể phục hồi. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản tăng 4,4%, trong đó cá tra ước đạt 320 triệu USD, tăng 21,1%. Song, xuất khẩu tôm chỉ đạt 414 triệu USD, giảm 6,13% so với cùng kỳ năm 2018.
Đánh giá tình hình xuất khẩu, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, mặc dù năm 2018, sản xuất, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan hơn năm 2017, tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh, chưa tạo được thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia…
Tổng thư ký VASEP cũng tỏ ra lạc quan khi nhận định, tiềm năng lớn của ngành thủy sản chưa được phát huy hết, ngoài ra còn cơ hội tăng trưởng khi các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực. Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, xuất khẩu tôm phấn đấu đạt 4,2 tỷ USD.
“Giấc mơ” 10 tỷ USD
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD là mục tiêu cao và là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019, vì so với năm ngoái, tăng tới gần 10%.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngành tôm cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Đầu tiên và quan trọng nhất là hình thành chuỗi sản xuất khép kín, mà trước hết là tuyên truyền vận động nông dân vào hợp tác xã, thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi từ giống, thức ăn, cho tới xử lý môi trường.
Ngoài ra, cần tranh thủ hệ thống với hơn 2.000 cơ sở chế biến, trong đó có hơn 200 nhà máy chế biến hiện đại để đưa ra những dòng sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó, tích cực mở rộng thị trường và tập trung quản lý nhà nước, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để kiểm soát, thanh tra, kiểm tra hướng tới đảm bảo sản xuất sạch.
“Năm nay, chúng ta phấn đấu sản lượng đạt 780.000 tấn, tuy chỉ tăng 3%, nhưng giá trị dự tính tăng tới 10%. Với chuỗi giá trị này, phải tận dụng công nghệ, tận dụng hệ thống máy móc, tận dụng quản trị để tối ưu sản phẩm và tạo ra giá trị cao nhất. Một điểm nữa là về mặt thị trường. Bên cạnh việc tổ chức khai thác tốt các thị trường truyền thống gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, thì phải xúc tiến sang những thị trường mới như Trung Đông, châu Phi. Với những thị trường đã có, phải mở rộng hơn về quy mô”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Vấn đề là làm thế nào để hình thành chuỗi liên kết từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, chuẩn hóa quy trình nuôi tôm và hình thành chuỗi từ tôm giống, các hộ nuôi, ngân hàng, thức ăn… các dịch vụ hỗ trợ.
Theo ông Tùng, khi tất cả người dân, nhà sản xuất, ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ… cùng ngồi với nhau trên tinh thần bình đẳng, hài hòa lợi ích, nâng cao giá trị thương phẩm tôm thì chuỗi giá trị sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra với con tôm hiện nay.
Chuỗi liên kết này gồm tất cả các doanh nghiệp trong ngành như nhà sản xuất, công ty giống, thu mua, chế biến. Cơ chế chuỗi là các bên cung cấp nguồn lực trực tiếp cho hộ nông dân và ngân hàng trả tiền. Ở đó, ngân hàng giống như đối tác, vừa quản lý - hỗ trợ tài chính, vừa giám sát thực hiện và đưa ra hình phạt chặt chẽ. Đây là mô hình chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong nuôi tôm.
"Tối ưu hóa diện tích nuôi tôm, đầu tư, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, tạo dựng chuỗi giá trị là cách hữu hiệu nhất để với diện tích hiện tại mà vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD từ con tôm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn giúp chúng ta không phải trả giá để xử lý ô nhiễm môi trường trong tương lai", ông Tùng nói.
Xuất khẩu vào EU để tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, dự báo năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng trưởng tốt và đạt trên 4 tỷ USD.
VASEP cũng cho rằng, ngành tôm Việt Nam sẽ nỗ lực tạo đột phá xuất khẩu mạnh vào 28 nước châu Âu để tận dụng lợi thế thuế quan khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.