Tiêu dùng
Xuất nhập khẩu 5 tháng ước 305 tỷ USD, hứa hẹn cả năm cán ngưỡng 700 tỷ USD
Nguyên Đức - 29/05/2022 12:09
Thương mại hàng hóa Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực, ước đạt 305 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Mục tiêu cán ngưỡng kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD trong năm nay ngày càng khả thi khi các số liệu thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực.

Cụ thể, trong tháng Năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 62,69 tỷ USD, tuy giảm 4,7% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc Samsung đẩy mạnh đầu tư, sản xuất tại Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã gia tăng đáng kể

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%; nhập khẩu tăng 14,9%.

5 tháng đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa mới đạt 264 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 131,4 tỷ USD, tăng 31,1%; nhập khẩu đạt 132,6 tỷ USD, tăng 37,7%.

Số liệu thống kê cụ thể từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 14,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,1%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này, lại có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%.

 Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022

 

Ước tính 5 tháng năm 2022

(Triệu USD)

Tốc độ tăng/giảm

5 tháng năm 2022 so với

cùng kỳ năm trước (%)

Các mặt hàng đạt giá trị trên 5 tỷ USD

   

Điện tử, máy tính và LK

36.018

28,6

Máy móc thiết bị, DC PT khác

18.153

-4,0

Điện thoại và linh kiện

9.076

19,3

Vải

6.548

10,9

Chất dẻo

5.543

9,7

Sắt thép

5.444

17,1

 Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,03 tỷ USD, tăng 6,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,18 tỷ USD, giảm 4,8%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Năm tăng 12,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,4%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,36 tỷ USD, tăng 14,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,93 tỷ USD, tăng 14,9%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 27,1 tỷ USD, tăng 15,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,9 tỷ USD, tăng 46,6%; nhập siêu từ ASEAN 6,5 tỷ USD, tăng 6,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 742 triệu USD, tăng 18,2%.

Điều đáng nói là, đúng như dự báo, thặng dư thương mại đã quay trở lại với nền kinh tế Việt Nam, dù hiện tại, con số mới chỉ là ước tính.

Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Tư xuất siêu 849 triệu USD; 4 tháng đầu năm xuất siêu 2,25 tỷ USD. Tuy nhiên, tháng Năm ước tính nhập siêu 1,73 tỷ USD.

Như vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,11 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,63 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác