Thời sự
Xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD
Thanh Hương - 20/12/2017 08:22
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ đầu năm tới nay đã đạt 400 tỷ USD. Việt Nam hiện có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2017.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 12 năm 2017 đã chinh phục con số 400 tỷ USD.

Nhờ đó mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.

Trước đó, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.

Sau 6 năm, tức là vào năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tới năm 2011, quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm, vào năm 2015.

Tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng tính từ năm 2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước.  Quy mô xuất nhập khẩu đã tăng thêm hơn 200 tỷ USD chỉ sau 6 năm (tính từ năm 2011).

Còn trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 tháng đầu đã tăng 67,93 tỷ USD về số tuyệt đối và là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay.

Trong 11 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt mức thặng dư cao nhất kể từ trước đến nay với 3,17 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2006-2010, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam nhập siêu khoảng 12,5 tỷ USD/năm do nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Trong giai đoạn 2011-2015, nhập siêu hàng hóa đã giảm mạnh, chỉ vào khoảng 2 tỷ USD/năm.  

Bước sang năm 2016, áp lực nhập siêu đã giảm khi cán cân thương mại của Việt Nam thay đổi lớn, thặng dư 1,78 tỷ USD và trong 11 tháng/2017 lên tới 3,17 tỷ USD.

Mức thặng dư thương mại đạt được chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  (FDI) . Cụ thể khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng từ đầu năm 2017 thặng dư 23,85 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD.

Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường lớn nhất có thâm hụt thương mại với Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với thị trường Hoa Kỳ, EU và Hồng Kông.

Trong 11 tháng từ đầu năm 2017, thâm hụt thương mại với các thị trường có sự chuyển dịch đáng chú ý, nhập siêu từ Trung Quốc giảm tới 15,3% so với cùng kỳ năm trước và từ Hàn Quốc lại tăng mạnh tới 55,8%.

Kết quả, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường có thâm hụt thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức gần 29 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 21,6 tỷ USD.

Tính đến hết 11 tháng năm 2017,  xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 194,47 tỷ USD tăng 21,5%, tương ứng tăng 34,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỉ lục với 68,4 tỉ USD, tăng 33%; hàng dệt may đạt 23,58 tỷ USD, tăng 9,5%; hàng giày dép đạt 13,19 tỷ USD, tăng 13,1%; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản tuy chỉ chiếm tỷ trọng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng/2017 nhưng lại là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất với trị giá đạt 3,94 tỷ USD tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nhóm hàng nông sản đạt 16 tỷ USD, tăng 16,5% và hàng thủy sản đạt 7,6 tỷ USD tăng 18,9%.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng từ đầu năm 2017 đạt 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức nhập khẩu của cả năm 2016 (175 tỷ USD).

Nhập khẩu 11 tháng từ đầu năm 2017,  tiếp tục có tới 42/53 nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2016. Số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD là 31/53. Trong đó, tăng mạnh nhất về số tương đối là các nhóm hàng: dầu thô tăng 193,1%; hàng rau quả tăng 72,8%; cao su tăng 64,3%; hạt điều tăng 60,9%; than đá tăng 60,1%... so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 4 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD và 5 thị trường nhập khẩu trên 10 tỷ USD.

Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á trong 11 tháng năm 2017 đạt 257,4 tỷ USD, tăng tới 25,7% so với cùng kỳ năm trước và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (67%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Tiếp theo là xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ với kim ngạch 62,16 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu đạt 52,89 tỷ USD, tăng 13,8%; châu Đại Dương chỉ đạt 7,07 tỷ USD, tăng 24,5% và châu Phi là 6,25 tỷ USD, tăng 27,6%.

 

Bảng: Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của

Việt Nam theo châu lục, thị trường/khối thị trường trong 11 tháng năm 2017

 

Thị trường

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Kim ngạch (Triệu USD)

Tỷ trọng (%)

So với cùng kỳ 2016 (%)

Kim ngạch

(Triệu USD)

Tỷ trọng (%)

So với cùng kỳ 2016 (%)

Châu Á

       100.962

51,9

30,9

 156.434

81,8

22,6

- ASEAN

        19.824

10,2

25,5

  26.611

13,9

17,8

- Trung Quốc

        30.944

15,9

57,8

  52.538

27,5

16,5

- Nhật Bản

        15.338

7,9

15,6

  14.879

7,8

8,8

- Hàn Quốc

        13.523

7,0

29,6

  42.520

22,2

46,4

Châu Mỹ

         47.884

24,6

11,3

   14.274

7,5

9,3

- Hoa Kỳ

        38.046

19,6

9,3

    8.350

4,4

6,8

Châu Âu

         39.459

20,3

15,1

   13.435

7,0

10,1

- EU(28)

        35.121

18,1

14,4

  10.924

5,7

8,1

Châu Phi

           2.499

1,3

-1,3

     3.753

2,0

58,5

Châu Đại Dương

           3.667

1,9

19,2

     3.400

1,8

30,8

Tổng

       194.470

100,0

21,5

 191.296

100,0

21,2

                                                                          

Tin liên quan
Tin khác