Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Đan Nguyễn |
Hầu hết các ngành đều giảm
Những chỉ dấu không thuận cho thương mại hàng hóa, cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu đã thể hiện khá rõ qua kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng mức giảm 45,4 tỷ USD. Riêng chiều xuất khẩu đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% (tương ứng giảm gần 18 tỷ USD), nhập khẩu 126,37 tỷ USD, giảm 17,9 % so với cùng kỳ, tương ứng mức giảm gần 27,5 tỷ USD.
Trong khi cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 307,96 tỷ USD, tăng 16,7% (xuất khẩu đạt 154,1 tỷ USD; nhập khẩu đạt 153,86 tỷ USD).
Dù Bộ Công thương và các tổ chức quốc tế đưa nhận định từ cuối năm ngoái và đầu năm nay về những khó khăn bên ngoài gia tăng (lạm phát, suy thoái kinh tế…) tác động đến dòng chảy thương mại hàng hóa. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn, nên không tránh khỏi ảnh hưởng, nhưng kết quả xuất nhập khẩu vẫn khiến các ngành hàng không khỏi lo ngại.
Trong top 7 ngành hàng xuất khẩu có quy mô trên 5 tỷ USD, có tới 6 mặt hàng tăng trưởng âm, gồm: điện thoại và linh kiện sụt giảm 16%, còn 21,17 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 9,8%, còn 20,3 tỷ USD; máy móc thiết bị phụ tùng giảm 5,1%, còn 16,5 tỷ USD; dệt may giảm 17,8%, còn 12,3 tỷ USD; giày dép giảm 13,3%, còn gần 8,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,7%, đạt 5 tỷ USD. Duy chỉ có phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,5%, đạt 4,28 tỷ USD.
Trong danh mục gần 40 mặt hàng xuất khẩu có thống kê định kỳ, chỉ một số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, gồm: gạo, rau quả, giấy và sản phẩm từ giấy, hạt điều, cà phê, phương tiện vận tải phụ tùng.
Đóng góp 45 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 371,5 tỷ USD của cả nước trong năm 2022, nhưng 5 tháng qua, dệt may mới đạt 12,3 tỷ USD, xơ sợi giảm 27%. Đơn hàng cho các tháng tới tại nhiều doanh nghiệp vẫn khan hiếm.
Bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi các đơn hàng có dấu hiệu “đảo chiều” và thu hẹp từ cuối năm 2022. Nếu như trước đây, thế mạnh của May Hưng Yên là sản xuất các mặt hàng dệt thoi, các sản phẩm thời trang nữ cao cấp, quy mô nhỏ, thì năm 2022, Tổng công ty đã phải đầu tư thêm máy móc, dây chuyền để sản xuất các mặt hàng dệt kim có giá rẻ hơn, nhưng quy mô đơn hàng lớn để duy trì sản xuất.
“Với tình hình khó lường của năm 2023, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng, chấp nhận sản xuất các đơn hàng nhỏ, nhưng yêu cầu kỹ thuật cao để duy trì sản xuất thông qua đầu tư chiều sâu vào máy móc và thiết bị”, bà Phương Hoa cho biết.
Đơn hàng thiếu vắng, hoạt động sản xuất ngưng trệ, nhiều nhà xưởng không thể sáng đèn liên tục, nhập khẩu nguyên liệu đã phải hạn chế bớt, biểu hiện rõ qua kim ngạch nhập khẩu 5 tháng giảm 27,5 tỷ USD, trong đó giảm mạnh ở các ngành hàng chủ lực.
Trông đợi vào ngành hàng nào?
Điểm sáng của hoạt động xuất khẩu 5 tháng rơi vào nhóm nông sản, điển hình là gạo và rau quả. Sau 5 tháng, rau quả mang về gần 2 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ; gạo mang về 2,057 tỷ USD, tăng 52%; hạt điều gần 1,3 tỷ USD, tăng 5,4%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19%...
Dù xuất khẩu các mặt hàng kể trên tăng tốc so với cùng kỳ, nhưng đóng góp về giá trị tuyệt đối của 4 mặt hàng trên không cao, trong cả năm 2022 chỉ mang về chưa đầy 13 tỷ USD. Trong khi đó, chỉ 2 ngành hàng điện thoại và máy tính đã đóng góp trên 100 tỷ USD. Dệt may, xơ sợi và da giày - túi xách góp trên 71 tỷ USD…
Không thể phủ nhận sự nỗ lực chớp thời cơ xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, nhưng thực tế, xuất khẩu vẫn đang trông đợi vào các nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo với kim ngạch xuất khẩu góp vào hoạt động xuất khẩu thường ở mức trên 86%.
Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công điện nêu, do suy giảm, khó khăn về kinh tế tại các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn, làm giảm sút, thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày, khoáng sản, đồ gỗ…
Công điện chỉ đạo: “Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới gồm: sớm ký kết FTA với Israel, đàm phán FTA với UAE và khu vực thị trường chung Nam Mỹ, nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
Trước bối cảnh khó chung của thị trường toàn cầu tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, trên hết, các doanh nghiệp đều cố gắng xoay xở tối đa để giảm chi phí không cần thiết, không triển khai đầu tư mới, giữ chân khách hàng, giữ chân người lao động. Xuất khẩu sẽ chỉ phục hồi khi nhu cầu thị trường tăng trở lại, đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam.