|
Mô hình tiết kiệm nhà ở của Đức đã được một số quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc áp dụng thành công và đem lại nhiều lợi ích |
Tại đây, các chuyên gia của hai bên đã cùng nhau thảo luận về vai trò và lợi ích của mô hình tiết kiệm nhà ở đối với việc hỗ trợ và thúc đẩy xây dựng nhà ở cho người dân.
Thực tế, mô hình này đã được một số quốc gia ở Châu Âu, Trung Quốc áp dụng thành công và đem lại nhiều lợi ích. Nhà nước giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, người dân có nhà để ở mà không bị sức ép từ tài chính. Bên cạnh đó, đây cũng được đánh gía là mô hình an toàn, minh bạch, lãi suất thấp, ổn định và giảm thiếu tối đa rủi ro.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, đây là mô hình rất phù hợp với tình hình hiện tại của Việt Nam. Nếu được áp dụng sẽ là cơ hội để nhiều người dân, nhất là những người dân có thu nhập trung bình thấp có cơ hội sở hữu căn nhà mơ ước.
“Phát triển nhà ở, lo nhà ở cho nhân dân là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và mỗi hộ gia đình. Tuy nhiên, nhà nước không thể lo hết được vấn đề nhà ở cho người dân, nếu người dân cứ ỉ lại vào sự hỗ trợ đó. Sự ra đời của mô hình tiết kiệm nhà ở sẽ vừa tạo ra dòng vốn mới lâu dài và ổn định cho việc phát triển nhà ở, lại vừa là kênh khuyến khích người dân chủ động kiệm tiền, tích cực và trách nhiệm hơn với vấn đề nhà ở của bản thân bên cạnh việc hỗ trợ của chính phủ, xã hội, ngân hàng” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.
Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài hệ thống tín dụng thương mại như hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần phải có quy định để hình thành thêm cách định chế tài chính mới, vừa để đang dạng hóa các kênh huy động vốn, vừa để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân cho PTNƠ như quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác BĐS, đặc biệt là mô hình tiết kiệm nhà ở (TKNƠ).
Đây là tổ chức tài chính chuyên nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, CHLB Đức, Cộng hòa Séc và các nước châu Âu khác.
Việc thành lập mô hình ngân hàng TKNƠ vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho việc PTNƠ, vừa tạo được hình thức tiết kiệm cho các hộ gia đình, cá nhân để tích cực và chủ động tham gia vào việc tạo lập nhà ở cho hộ gia đình của mình.
Theo bà Jutta Frasch – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam, mô hình TKNƠ có thể coi là một biện pháp, là con đường đúng đắn để cho mọi người có thể tiếp cận và có được ngôi nhà riêng của mình.
Đây là mô hình tiết kiệm tốt nhất và từ khoảng 100 năm nay đã rất thành công và phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều người Đức đã bắt đầu tiếp cận và triển khai mô hình tiết kiệm này.
Việc tiết kiệm nhà ở ở CHLB Đức được gắn liền với một loạt chương trình hỗ trợ của nhà nước Đức và đây cũng là một trong những mục đích và đặc điểm của mô hình này.
Bên cạnh đó, bà Jutta Frasch cho rằng, Ngân hàng TKNƠ không nên được coi là sự cạnh tranh đối với các ngân hàng thương mại, mà là sự bổ sung, giúp cho các ngân hàng thương mại giảm nhiều rủi ro trong việc cho vay tín dụng để mua nhà.
Ngân hàng TKNƠ chịu sự kiểm soát của các ngân hàng khác và ở Đức thì ngân hàng này chịu sự kiểm soát của Ủy ban kiểm soát quốc gia và Ngân hàng Trung ương Đức.
Hội thảo là bước quan trọng để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hai bên có thể trao đổi thông tin đầu tiên về giới hạn, khó khăn, đặc thù chung của Việt Nam trong việc ứng dụng mô hình TKNƠ này.
Đây là mô hình nên được tìm hiểu và đưa vào ứng dụng tại Việt Nam và sẽ tiếp tục trở thành một dự án ghi nhận thành công trong sự hợp tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết thêm: “Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan đã đề xuất thêm điều khoản về ngân hàng tiết kiệm nhà ở vào luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản sửa đổi trình Quốc hội trong kỳ họp thứ nhất năm 2014 sắp tới. Đồng thời mong mỏi có thêm nhiều ngân hàng thương mại chuyên danh về các vấn đề xây dựng, nhà ở như các nước lớn khác trên thế giới, để nhiều người dân hơn nữa được có nhà”.
Theo Báo Xây dựng và KTĐT