Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi hợp lý
Phát biểu về xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết vùng ĐBSCL có vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm và trái cây lớn của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vùng ĐBSCL vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của mình, chưa tranh thủ được độ mở cao của nền kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương đã được ký kết để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bộ trưởng cho rằng sản xuất nông nghiệp của vùng còn manh mún, chưa có quy hoạch bảo đảm, sản xuất chưa theo tín hiệu của thị trường; nhiều loại nông sản, trái cây chưa được chế biến, chủ yếu là xuất khẩu thô và tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Toàn |
Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của vùng chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành thâm dụng đất đai, lao động với giá trị thấp; phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao cho ngành, làm cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn ngành từ trung ương đến địa phương.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ Công thương sẽ chủ động tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ khai thác lợi thế của các FTA cho các địa phương, doanh nghiệp trong vùng; tổ chức triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản nhằm tiêu thụ tối đa sản phẩm nông sản.
“Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng đề án xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng với các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau tại khu vực ĐBSCL, xúc tiến nông sản tại nước ngoài, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, qua các kênh phân phối truyền thống và các sàn giao dịch thương mại điện tử”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương quảng bá thương hiệu nông sản, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành chức năng trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây và nông sản; làm tốt việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, duy trì và đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.
Nhân hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương trong Vùng phối hợp thực hiện quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi hợp lý; thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến và ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị của sản phẩm; xây dựng thương hiệu, mã số, vùng trồng, vùng nuôi để hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Kết nối với các cơ quan chức năng của Bộ và các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt các thông tin thị trường để định hướng cho sản xuất.
Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo tiêu chuẩn và quy định của thương mại quốc tế. Chú trọng công tác marketing, xây dựng thương hiệu, bảo hộ những sản phẩm đặc sản từng vùng miền, có chỉ dẫn địa lý để hàng hóa ĐBSCL có chỗ đứng và đi sâu vào các khu vực thị trường thay vì tập trung chủ yếu ở các thị trường khu vực gần biên giới.
Đặc biệt, các địa phương cần tập trung quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.
Sớm đưa ĐBSCL trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của đất nước
Thông tin về định hướng phát triển năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát khí nhà kính vào năm 2030, đây là cơ hội rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo của toàn vùng.
Theo Bộ trưởng, hiện Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỷ lệ công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời chiếm tỷ trọng 18 - 23% tổng công suất hệ thống.
Theo danh mục nguồn điện trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, khu vực Nam Bộ (bao gồm cả Vùng ĐBSCL) dự kiến đến năm 2030 phát triển khoảng gần 8.000 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi; điện mặt trời phát triển giai đoạn sau năm 2030.
“Quy hoạch lần này chỉ quy hoạch tổng quy mô công suất theo vùng, miền, không quy hoạch dự án cụ thể”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Riêng các dự án mua bán điện trực tiếp và sử dụng tại chỗ, Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, các địa phương trong Vùng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước; Tập trung cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng cho các dự án; Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
“Để triển khai hiệu quả Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, về phía Hội đồng điều phối Vùng, cần có cơ chế đối thoại định kỳ để kịp thời thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.