Trên thực tế, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Francois Hollande, sau 12 năm, kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Jacques Chirac vào năm 2004 đã cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược mà hai bên đã ký kết vào năm 2013, làm rõ các hướng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.
Sau Thế chiến II, xây dựng châu Âu và hướng tới các nước láng giềng và khu vực châu Phi là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp. Chính vì thế, giai đoạn này, Pháp ít để tâm tới châu Á, xem đây là một khu vực ở xa, nơi mà những lợi ích ít gắn với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1990, Pháp đã ngày càng xích lại gần Đông Nam Á khi nhìn nhận đây là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế toàn cầu.
. |
Các nhà lãnh đạo của Pháp còn nhận thức rằng, muốn đẩy mạnh xoay trục sang châu Á, thì cần thiết phải xích lại gần hơn nữa với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng thể hiện mong muốn đa dạng hoá sự hiện diện của Pháp tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Sự xuất hiện của đoàn tháp tùng hùng hậu gồm hơn 50 lãnh đạo và quản lý các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp trong chuyến thăm của Tổng thống Francois Hollande tới Việt Nam đã cho thấy, không chỉ tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, Pháp còn muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ về kinh tế với Việt Nam, một quốc gia có lịch sử gần gũi với Pháp, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, đồng thời củng cố chính sách tăng cường sự hiện diện của Pháp ở châu Á- Thái Bình Dương.
Chuyến thăm đã thành công khi hơn 20 văn bản được hai bên ký kết, trong đó có hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Airparif, Hiệp hội Kiểm tra chất lượng không khí của vùng Ile de France và UBND TP. Hà Nội. Thoả thuận của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Cần Thơ cũng được xem xét, liên quan đến khoản vay 52,5 triệu euro và khoản viện trợ không hoàn lại một triệu euro nhằm tài trợ chống tình trạng nước biển dâng...
Pháp hiện được đánh giá là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,3 tỷ USD trong năm 2015. Về đầu tư, Pháp là nước đứng thứ ba châu Âu và đứng thứ 16 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD, tính từ 1993. Các nhà đầu tư Pháp hiện rất quan tâm hợp tác với đối tác Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp.
Pháp và Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 9/2013, nhằm tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, song quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của hai quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia nằm trong khối cộng đồng Pháp ngữ.
Chính vì vậy, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande không chỉ tạo ra xung lực giúp quan hệ hợp tác song phương hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, giáo dục, đưa quan hệ Việt - Pháp sang giai đoạn mới, mà còn cho thấy mong muốn của Pháp muốn là đối tác lâu dài của Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đối phó với những thách thức trong tương lai. Ngoài ra, thông qua Việt Nam, Pháp đang thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn tới Đông Nam Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, như đánh giá của dư luận quốc tế, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp cho thấy sự xoay trục của nước này về châu Á không phải là hiệu ứng theo phong trào, mà vì Pháp muốn tăng cường hơn nữa sự hiện diện ở chấu Á - Thái Bình Dương - khu vực được xem là trung tâm của thế kỷ 21, là thế giới tương lai đang hình thành.