Tài chính - Chứng khoán
10 cổ phiếu cần quan tâm ngày 23/10
Kỳ Thành - 23/10/2015 02:25
Đầu tư Online trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 23/10 của các công ty chứng khoán.
1. STK: Khuyến nghị giảm

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu quý III/2015 của STK đạt 295 tỷ đồng, thấp hơn 20,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng, thấp hơn 76% so với cùng kỳ năm trước.  9 tháng đầu năm 2015 STK đạt được 925 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do: 1) Giá nguyên liệu PET chip vẫn trong xu hướng giảm, làm giá bán đầu ra của công ty giảm, 2) Số lượng đơn hàng suy giảm khiến cho sản lượng hàng bán suy giảm theo.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 của STK đạt 62 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do: 1) Doanh thu bị sụt giảm vì giá bán và sản lượng hàng bán giảm, 2) Công ty đánh giá lại chênh lệch tỷ giá so với đầu năm làm ghi nhận chi phí tài chính là 19,1 tỷ đồng.

Giá nguyên liệu PET chip giảm do giá dầu thô giảm vẫn là yếu tố tích cực vì làm tăng biên lợi nhuận gộp của STK (9T/2015 biên lợi nhuận gộp của STK đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước). Hiện tại, giá dầu thô vẫn đang duy trì ở mức quanh 50 USD/thùng.

STK đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% mệnh giá trong năm 2015. Sắp tới STK sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Ngày chốt danh sách cổ đông là 5/11/2015. Tỷ lệ chi trả là 10:1.

STK hưởng lợi từ các hiệp định thương mại chủ yếu từ việc chuyển dịch đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam, nhu cầu sợi sẽ tăng cao theo yêu cầu từ sợi trở đi của TPP. Đồng thời, nguồn cung sợi nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Nhà máy Trảng Bàng 3 vừa mới hoạt động vào tháng 9/2015. Chúng tôi ước tính đến hết năm 2015, Trảng Bàng 3 có thể cung cấp khoảng 3.000 tấn DTY.

Hội đồng tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu cho lao động vùng vào năm 2016 là 12,4%. Điều này sẽ làm chi phí lao động của STK gia tăng (chi phí lao động chiếm 5% giá vốn của STK), ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong báo cáo định giá lần đầu, chúng tôi ước tính kết quả kinh doanh năm 2015 của STK đạt doanh thu 1.334 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 2.900 đồng/CP. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh ở quý III/2015 không tích cực, STK khó có thể đạt được mục tiêu cả về doanh thu và lợi nhuận.

Khuyến nghị: Dựa trên kết quả kinh doanh quý III/2015 và tình hình hiện tại, chúng tôi ước tính doanh thu của STK cho năm 2015 là 1.311 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 100,7 tỷ đồng, tương ứng với mức EPS là 2.334 đồng/cổ phiếu. Mức giá mục tiêu chúng tôi đưa ra trong báo cáo lần đầu là 34.000 đồng/cổ phiếu, sau khi điều chỉnh, mức giá mục tiêu mới cho 12 tháng tới chúng tôi đưa ra là 32.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 14,9% so với mức giá ngày 20/10/2015. Chúng tôi khuyến nghị GIẢM với cổ phiếu STK.

Công ty chứng khoán: Lợi nhuận khiêm tốn

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Mặc dù hiện tại có tới 81 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường nhưng 10 công ty trong số đó đã nắm giữ hơn một nửa thị phần. Tính đến giữa tháng 10, đã có một số công ty công bố kết quả kinh doanh quý 3/2015 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2015. Phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn với kết quả kinh doanh kém hiệu quả so với cùng kỳ. Trên thực tế điều này không quá ngạc nhiên khi diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 8 và tháng 9 kém sôi động. Đặc biệt, chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm tương ứng 5,4% và 8,2% so với quý trước. Các nhà đầu tư chờ đợi các công ty chứng khoán lớn sẽ sớm công bố kết quả khả quan hơn.

Tăng trưởng doanh thu âm hay khiêm tốn chủ yếu là do tăng trưởng âm ghi nhận từ dịch vụ môi giới, tự doanh và thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng trong khi tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc không kiểm soát được chi phí hoạt động.

Trong khi đó, VPBS, VCBS và CTS có phần vượt trội với kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, doanh thu VPBS tăng 34% trong quý III/2015, trong đó chủ yếu là do tăng trưởng từ thu nhập đầu tư góp vốn (179%), dịch vụ tư vấn tài chính và thu nhập khác. Doanh thu trong quý III/2015 của VCBS tăng gấp ba và lợi nhuận sau thuế gấp bốn lần so với cùng kỳ. Đạt kết quả khả quan như vậy là do thu nhập từ hoạt động đầu tư góp vốn tăng gấp hơn ba lần và thu nhập từ dịch vụ môi giới tăng gấp ba lần trong quý III/2015 so với cùng kỳ.

Trong khi đó, CTS ghi nhận mức giảm nhẹ đối với doanh thu tự doanh và môi giới. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, CTS đã hoàn thành 64 thương vụ tư vấn cho các khách hàng uy tín như Vincom Retail, Minh Phú, Novaland và Công ty Triển lãm Giảng Võ, đóng góp 45% vào tổng doanh thu của công ty. Bên cạnh đó, doanh thu từ các dịch vụ bảo lãnh phát hành cũng tăng 58% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế có phần khiêm tốn do chi phí hoạt động tăng vọt 187%. Tuy nhiên, CTS đã hoàn thành được 76,3% mục tiêu cả năm.

Một số nhận định của CTCK Maybank Kim Eng:

2. HSG: Lãi ròng NĐTC 2014-2015 ước tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái

HSG công bố kết quả kinh doanh ước tính cho cả niên độ tài chính 2014-2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước tăng lần lượt 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái và 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 17.700 và 650 tỷ đồng.

Sản lượng bán hàng trong kỳ đạt 1.039.140 tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 15,5% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm gần 41% tổng sản lượng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 26,5% kế hoạch cả năm. Sản lượng bán hàng nội địa tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 614 ngàn tấn.

Chúng tôi ước tính giá bán bình quân trong kỳ của HSG giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, do giá nguyên liệu thép cán nóng (HRC) đầu vào giảm. Tuy nhiên, mức giảm của giá bán bình quân thấp hơn đáng kể so với mức giảm khoảng 25% của HRC. Điều này góp phần lớn giúp biên lợi nhuận gộp năm nay cải thiện so với cùng kỳ. Nhờ đó, lãi ròng đạt mức tăng trưởng mạnh hơn doanh thu.

Kết quả lợi nhuận 650 tỷ của công ty khá sát với số ước tính trước đây của chúng tôi (645 tỷ đồng). Như vậy, HSG đã vượt 44,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo đó, EPS 2015 ước tính đạt 6.449 đồng/CP, tương đương với mức PE thấp, khoảng 6,7 lần.

Dự kiến trong tháng 11/2015, HSG sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 của niên độ tài chính 2013-2014 với tỷ lệ 30%. Sau phát hành, vốn điều lệ của HSG sẽ tăng lên 1.310 tỷ đồng.

Ngày 07/10/2015 vừa qua, HSG cũng đã hoàn tất việc bán toàn bộ 4,48 triệu cổ phiếu quỹ như đăng ký trước đó. Với mức giá giao dịch bình quân là 40.500 đồng/CP, dòng tiền của HSG sẽ được cải thiện khi công ty có thêm hơn 181 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II NĐTC 2014-2015, số dư khoản mục cổ phiếu quỹ của HSG tại ngày 31/03/2015 là khoảng 81 tỷ đồng, tương đương với mức giá vốn bình quân hơn 18.000 đồng/CP. Như vậy, ước HSG sẽ ghi nhận được khoản thặng dư vốn hơn 100 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2015-2016.

3. PGS: LNST giảm chậm hơn doanh thu nhờ Biên lãi gộp tăng

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 giảm 20,2% so với cùng kỳ do giá khí giảm mạnh. PGS vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần đạt 4.460 tỷ đồng, giảm mạnh 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ khí hóa lỏng LPG và khí nén CNG giảm lần lượt 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ khí hóa lỏng LPG và khí nén CNG giảm mạnh do chủ yếu giá bán LPG và CNG lần lượt giảm mạnh khoảng hơn 15% và 26,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ CNG hợp nhất vẫn tăng 11,7% so với cùng kỳ, đạt 130,6 triệu m3.

LNST giảm chậm hơn doanh thu nhờ Biên lãi gộp tăng. LNST 9 tháng đầu năm 2015 giảm 15,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 148 tỷ đồng. Lưu ý, chi phí BH & QLDN tuy giảm nhưng chậm hơn doanh thu do đó tỷ lệ chi phí BH & QLDN/DTT tăng từ 11,7% 9 tháng đầu năm 2014 lên 14,5% trong 9 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra trong năm 2015, công ty mẹ không còn được ưu đãi thuế TNDN từ kinh doanh CNG khiến cho thuế TNDN bình quân tăng từ 19,1% 9 tháng đầu năm 2014 lên 22% 9 tháng đầu năm 2015. Mặc dù vậy, mức giảm LNST chậm hơn mức giảm doanh thu do PGS được hưởng lợi nhờ giá chi phí đầu vào được thả nổi theo FO, biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,5% trong 9 tháng đầu năm 2014 lên 19,1% trong 9 tháng đầu năm 2015.

Khả năng đạt kế hoạch LNST cao. Với báo cáo kết quả 9 tháng đầu năm 2015, PGS lần lượt hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu (7.078 tỷ đồng) và 84,7% kế hoạch LNTT (224 tỷ đồng) năm 2015. Chúng tôi đánh giá cao khả năng PGS đạt kế hoạch LNST trong năm 2015 do PGS đã đạt được hợp đồng với Samsung CE cung cấp khí CNG cho nhà máy. Hợp đồng được chia làm 2 giai đoạn với Giai đoạn 1 bắt đầu từ giữa tháng 12/2015 với sản lượng tiêu thụ khoảng 15 triệu m3/năm (tương đương 1,25 triệu m3/tháng). Lưu ý, PGS chưa tính hợp đồng tiêu thụ khí với Samsung vào KHKD khí CNG năm 2015 (150 triệu m3 khí CNG).

Định giá rẻ. PGS đang được giao dịch tại P/E dự phóng 2015 là 5 lần, so với trung bình ngành khí là 9 lần. PGS và công ty con, CTCP CNG Việt Nam, hiện là nhà cung cấp CNG duy nhất tại thị trường miền Nam.

4. NT2: LNST 9 tháng đầu năm 2015 tăng 20,2% so với cùng kỳ

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã CK: NT2) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2015 với doanh thu thuần đạt 1.276,9 tỷ đồng và LNST đạt 69,1 tỷ đồng, giảm 14% và 85,5% so với cùng kỳ.

So với số liệu công bố trong Thông báo định kỳ tháng 10/2015, doanh thu trong báo cáo chính thức thấp hơn đôi chút, đồng thời bị giảm trừ 319,5 tỷ đồng. Theo giải trình của công ty, đây là khoản giảm trừ do hồi tố giá khí nhiên liệu do từ 1/8/2015 áp dụng giá khí theo cơ chế giá thị trường, hiện nay ở mức thấp hơn so với giá khí trước đây (áp dụng theo lộ trình qui định của Nhà nước với mức giá 5,85 USD/triệu BTU). Tuy nhiên, tăng/giảm giá nhiên liệu đầu vào của NT2 và của các công ty nhiệt điện nói chung đều được tính trong giá bán điện cho EVN, theo đó khi giá khí giảm thì giá bán điện cho EVN cũng giảm. Do vậy, khoản hồi tố nhận được từ Tập đoàn Dầu khí được chuyển ngang sang Tập đoàn Điện lực mà không ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty.

Luỹ kế 9 tháng 2015, doanh thu thuần đạt 5.021,1 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, và LNST 691,5 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Với sản lượng điện 9 tháng 2015 đạt 3.996 triệu kWh (tăng 14% so với cùng kỳ), giá bán điện bình quân là khoảng 1.256 đồng/kWh, giảm 4,9% so với cùng kỳ.

Chúng tôi xin nhắc lại, về rủi ro tỷ giá, từ nay đến cuối năm không loại trừ khả năng đồng USD và EUR sẽ có biến động nếu FED có động thái trong việc nâng lãi suất. Với dư nợ vay bằng ngoại tệ hiện nay gồm 123,2 triệu EUR và 134,9 triệu USD, chúng tôi ước tính nếu tỷ giá EUR/VND tăng/giảm 1% công ty sẽ ghi nhận lỗ/lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 29 tỷ đồng; và tỷ giá USD/VND tăng/giảm 1% sẽ ghi nhận lỗ/lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 28 tỷ đồng.

EPS 4 quý gần nhất ước tính đạt 3.454 đồng/CP (lợi nhuận Q4/14 được điều chỉnh giảm 102 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện khi ước tính EPS bốn quý gần nhất). NT2 giao dịch với P/E trailing bốn quý gần nhất 7,6x.

5. DGW: LNST 9 tháng đầu năm 2015 giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong cơ cấu doanh thu ĐTDĐ, dòng sản phẩm Nokia mang lại nguồn thu chính cho Digiworld từ tháng 6/2013 đến nay. Tuy nhiên thị phần ĐTDĐ của Nokia tại thị trường Việt Nam đang sút giảm từ mức 24% trong 2014 xuống còn 17% trong 2015, ảnh hưởng đến doanh số mảng ĐTDĐ - đóng góp 50% tổng doanh thu của DGW. Theo đó, doanh thu và LNST 9 tháng đầu năm 2015 đạt lần lượt 3.287 tỷ đồng và 85,5 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và 20% so với cùng kỳ năm ngoái với biên lợi nhuận ròng ở mức 2,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Sự sụt giảm của biên LNR do lỗ ròng tài chính tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ chi phí BH&QLDN/DT tăng 0,4 ppt nên kết thúc 9 tháng đầu năm 2015, DGW chỉ mới hoàn thành 55% và 53% kế hoạch DT và LNST năm.

Chúng tôi kỳ vọng KQKD quý IV/2015 khả quan hơn nhờ đóng góp từ các sản phẩm mới như Obi, Iphone bù đắp phần nào sụt giảm từ Nokia. Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu 2015 còn 4.614 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái và LNST còn 113 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS dự phóng là 3.705 đồng/CP, P/E ước khoảng 9,3 lần, cao hơn mức 8 lần của trung bình ngành. Kỳ vọng trong 2016, kết quả của DGW sẽ cải thiện hơn khi ghi nhận doanh thu tròn năm từ 2 sản phẩm mới Obi và Iphone.

6. PNJ: LNST 9 tháng đầu năm 2015 công ty Mẹ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái do trích lập dự phòng tăng

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2015 của riêng công ty Mẹ. Theo đó, doanh thu đạt 5.650 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hoạt động kinh doanh trang sức tăng trưởng khả quan. Hiện PNJ đang trong quá trình tái cấu trúc HĐKD - giảm tỷ trọng vàng miếng, tập trung phát triển mạnh KD trang sức cốt lõi, là mặt hàng có biên LNG cao nhất của Tập đoàn (ở mức 14%). Theo đó, biên LNG 9 tháng đầu năm 2015 công ty Mẹ tăng 3 ppt lên mức 14% và LN gộp tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 795 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giao cao việc tái cấu trúc của PNJ đã giúp công ty có những kết quả tốt. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến ngân hàng Đông Á (DAB) và trích lập dự phòng cho khoảng đầu tư vào DAB làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của PNJ trong ngắn hạn. Theo BCTC quý III/2015 công ty Mẹ, PNJ đã trích dự phòng khoản đầu tư tài chính vào DAB khoảng 50 tỷ đồng và tổng mức trích lập cho 9 tháng đầu năm 2015 là khoảng 191 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lỗ ròng tài chính tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái và LNST 9 tháng đầu năm 2015 của công ty Mẹ chỉ còn khoảng 151 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm mục đích (1) bổ sung vốn lưu động (dòng tiền thuần từ HĐKD của PNJ đến thời điểm 30/9/15 là âm 194 tỷ đồng) để mở rộng kinh doanh vụ cao điểm cuối năm và (2) tái cấu trúc lại khoản vay nợ ngắn hạn, PNJ dự kiến trình “kế hoạch phát hành 19,7 triệu cổ phiếu” tại ĐHĐCĐ bất thường 2015 (ước tổ chức trong tháng 11 tới đây). Tuy nhiên, kế hoạch đã được hủy bỏ và thay vào đó là “phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi”. PNJ chia sẽ việc phát hành cổ phiếu sẽ mất nhiều thời gian, có khả năng đến 2016 mới thực hiện xong, theo đó sẽ tạo áp lực pha loãng EPS cũng như tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không mua cổ phiếu phát hành thêm.

Số tiền thu được dự kiến từ đợt phát hành này tối đa là 500 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại các khoản vay ngắn hạn (350 tỷ đồng) và đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ (150 tỷ đồng). Tại thời điểm cuối quý III/2015, tổng khoản vay ngắn hạn của PNJ là 1.299 tỷ đồng, trong đó có 71,5 tỷ đồng vay của Ngân hàng Á Châu (ACB) đáo hạn ngày 25/11/2015 hình thức đảm bảo là 30 triệu cổ phiếu DAB và BĐS ở đường Thủ Khoa Huân. Cuối quý I và II/2015, khoản vay ngắn hạn của PNJ với ACB lần lượt là 201 tỷ đồng và 122 tỷ đồng với hình thức đảm bảo như trên. Với rủi ro cổ phiếu DAB có khả năng về 0 đồng, PNJ cần tìm nguồn tài sản khác nhằm đảm bảo cho các khoản vay trên.

Chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo LNST 2015 của PNJ khoảng 122 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái (giả định trong quý IV/2015 sẽ trích lập thêm khoảng 60 tỷ đồng, tương ứng hoàn tất trích lập toàn bộ khoảng đầu tư 254 tỷ đồng cho DAB). EPS 2015 trong trường hợp này còn 1.240 đồng/CP. Kỳ vọng KQKD PNJ sẽ hồi phục lại trạng thái bình thường vào năm 2016 với EPS 2016 của PNJ ước tính sẽ đạt 4.930 đồng/CP.

7. CNG: Lợi tức cổ tức 9,3%, cập nhật KQKD 9 tháng đầu năm 2015 - GIỮ

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 giảm do giá bán khí giảm theo giá dầu. DTT 9 tháng đầu năm 2015 giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 691,7 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 65,7 triệu Sm3, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2014, nhưng giá bán khí bình quân giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái theo đà giảm của giá dầu khiến doanh thu giảm.

LNST 9 tháng đầu năm 2015 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 88,5 tỷ đồng. Mức giảm này chậm hơn rất nhiều so với doanh thu do biên lợi nhuận gộp tăng từ 21,9% trong 9 tháng đầu năm 2014 lên 24,7% trong 9 tháng đầu năm 2015. Do bắt đầu thả nổi giá khí đầu vào theo FO, nên mặc dù giá bán giảm nhưng giá đầu vào giảm nhanh hơn khiến biên lợi nhuận gộp tăng. Ngoài ra, chi phí BH & QLDN giảm 10,1% so với cùng kỳ do đó tỷ lệ chi phí BH & QLDN/DTT giảm từ 9,3 % trong 9 tháng đầu năm 2014 xuống còn 8,9% trong 9 tháng đầu năm 2015.

Lợi tức cổ tức hấp dẫn 9,3%. CNG lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% mệnh giá, tương ứng lợi tức cổ tức 9,3% (thường được chi trả vào tháng 1 và tháng 6 hàng năm). Tỷ lệ cổ tức/EPS ở mức 68,7%, tương đối hợp lý do công ty chưa phải đầu tư nhiều cho hoạt động phân phối CNG tại miền Bắc. Tính đến thời điểm cuối quý III/2015, tiền và tương đương tiền ở mức 248,8 tỷ đồng (tương ứng 9.200 đồng/CP). LNST chưa phân phối đạt 82 tỷ đồng (3.030 đồng/CP). CNG có chính sách cổ tức khá hấp dẫn với lịch sử chia cổ tức với tỷ lệ trên 30% mệnh giá.

Triển vọng tăng sản lượng nhờ mở rộng thị trường ra miền Bắc. CNG đã tham gia phân phối khí CNG cho khu vực miền Bắc trong quý III/2015 cùng với PVG và PGD. CNG đã có 7 khách hàng đầu tiên tại miền Bắc và dự kiến tiêu thụ được 9 triệu Sm3 khí trong năm 2015. Năm 2016, CNG dự kiến sẽ nâng tiêu thụ CNG tại miền Bắc lên 30 triệu Sm3 (trong tổng số 110 triệu Sm3). Do CNG chỉ tham gia vào khâu phân phối nên chúng tôi chưa kỳ vọng nhiều vào LN trong 2 năm tới tại thị trường mới này.

Khuyến nghị. Chúng tôi hạ đánh giá xuống khuyến nghị GIỮ (từ khuyến nghị MUA) với giá mục tiêu đã đưa ra là 34.500 dựa trên PE kỳ vọng 7,5 lần do triển vọng tăng trưởng lợi nhuận chỉ ở mức trung bình trong năm tới và giá cổ phiếu đã tăng 15,4% kể từ khuyến nghị trước đây của chúng tôi.

8. MAC: Lãi ròng 9 tháng đầu năm 2015 gấp 5,2 lần cùng kỳ

Trong quý III/2015, MAC đạt 34,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động sửa chữa cơ khí, phương tiện đường bộ (chiếm 83% tổng doanh thu) tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động khai thác bãi container tăng trưởng mạnh, đến 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp doanh thu của mảng này hiện chưa cao, khoảng 9% tổng doanh thu trong quý III/2015, so với mức 7% của quý III/2014.

Do đầu tư thêm máy móc thiết bị trong kỳ và chi phí nhân công tăng, nên biên lợi nhuận gộp quý III/2015 của MAC giảm khoảng 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 15,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ CPBH&QL/DT quý III/2015 điều chỉnh giảm mạnh hơn, chỉ còn 11,7%, so với mức 15% của quý III/2014 do giảm quỹ lương quản lý. Nhờ đó, lợi nhuận ròng quý III/2015 của MAC vẫn tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 845 triệu đồng. Mặc dù vậy, so với mức lợi nhuận bình quân các quý gần đây, từ 3,5-4,4 tỷ đồng/quý, thì lợi nhuận đạt được trong quý III/2015 là khá khiêm tốn.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu của MAC tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 96,7 tỷ đồng, tương đương 71,6% kế hoạch doanh thu 2015. Lãi ròng 9 tháng đầu năm 2015 đạt 9,3 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, MAC chỉ mới hoàn thành được khoảng 57% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đầu tháng 10/2015 vừa qua, MAC đã chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng năm 2014, tỷ lệ 7%; và quyền mua cổ phiếu phát hành mới cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1, giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/CP. Với 6,8 triệu cổ phiếu phát hành thêm từ 2 đợt phát này, vốn điều lệ của MAC sẽ tăng 107%, lên mức 131 tỷ đồng.

Tổng số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành mới là hơn 63,3 tỷ đồng chủ yếu sẽ đầu tư để mở rộng, nâng cấp hoạt động khai thác bãi container. Hoạt động khai thác bãi container (depot) hiện đóng góp 9% tổng doanh thu cho MAC, mảng kinh doanh chính thứ 2 bên cạnh hoạt động sửa chữa cơ khí, vận tải đường bộ. Dự án Depot mới rộng khoảng 4ha tại Đình Vũ khả năng đi vào hoạt động trong quý I/2016, giúp tăng tổng diện tích depot của MAC lên 7,3ha.Theo đó, kỳ vọng tỷ trọng đóng góp doanh thu từ mảng này sẽ gia tăng từ 2016. Chúng tôi cho rằng hoạt động khai thác depot là mảng kinh doanh khá tiềm năng nhờ: (1) triển vọng về tình hình xuất nhập khẩu cả nước cũng như tại khu vực Hải Phòng nhìn chung là khá lạc quan. Theo đó, nhu cầu sử dụng bãi container cũng như các dịch vụ hậu cần khác sẽ gia tăng; và (2) khách hàng hiện nay của MAC hầu hết là các hãng tàu lớn như NYK, APL, Kline, Hanjin, GLS,... cũng là lợi thế của MAC.

MAC đang giao dịch ở mức PE ước tính cho 2015 khoảng 8 lần.

9. HHS: Xác nhận duy trì xu hướng tăng - MUA

Nhận định của MBKE:

HHS chuyển sang xu hướng tăng từ giai đoạn cuối tháng 9 khi thành công vượt MA trung hạn và đồng thời tạo lập các mức đỉnh đáy cao hơn.

Pha điều chỉnh diễn ra trong đầu tháng 10, MA trung hạn đã làm tốt vai trò nâng đỡ giá.

Phiên tăng hôm nay giúp HHS tiếp tục vượt thành công kháng cự quan trọng 18.0 và qua đó xác nhận xu hướng tăng sẽ còn mở rộng trong thời gian tới.

Mẫu hình thanh khoản ủng hộ cho việc tiếp diễn xu hướng tăng khi đang liên tục nằm trên mức trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền mở rộng hoạt động.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD tăng trở lại lên trên đường tín hiệu, xác nhận kết thúc điều chỉnh. Các chỉ báo còn lại trong vùng tích cực.

Điểm cộng FA: Trong Q3 HHS ghi nhận doanh thu đạt 750 tỷ đồng tăng 42,3% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 81,2 tỷ đồng tăng 38,6% so với cùng kỳ. HHS đang giao dịch với mức P/E là 4,4 lần và P/B là 1,26 lần.

Nếu loại trừ phần được hưởng lợi thế thương mai trong Q1/15, HHS đang giao dịch ở mức P/E kỳ vọng là 5,6 lần.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào HHS tại quanh giá 18.4; Mục tiêu đầu tiên tại: 21.5 (+16,8%); Dừng lỗ tại: 16.7 (-9,2%).

10. ITA: Kết thúc điều chỉnh - MUA

Nhận định của MBKE:

ITA tăng giá rất ấn tượng trong giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đường giá sau đó có một vài phiên điều chỉnh.

Hôm nay ghi nhận giao dịch đột biến của ITA khi tăng mạnh trở lại (sau ba phiên giảm liên tục), lấy lại toàn bộ phần giá trị bị mất trong những ngày trước đó.

Kết quả này cho thấy bên mua đang rất chủ động trong các giao dịch tại ITA và xu hướng tăng sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn tới.

Thanh khoản tạo ra mẫu hình ủng hộ xu hướng tăng của giá khi liên tục duy trì cao hơn hẳn mức trung bình 50 ngày từ đầu tháng 10 đến nay.

Chỉ báo kỹ thuật tích cực. MACD tăng trở lại sau khi giảm nhẹ vài phiên trước và không tạo ra bất kỳ tín hiệu cảnh báo nào, chỉ báo này vẫn ủng hộ giá đi theo xu hướng tăng. Các chỉ báo khác đều trong vùng tích cực.

Điểm cộng FA: Sau khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Do đó với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng trong Khu công nghiệp, ITA được cho là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ TPP.

Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào ITA quanh vùng giá 6.7; Mục tiêu đầu tiên tại: 7.7 (+14,9%); Dừng lỗ tại: 6.3 (-6,0%).

Tin liên quan
Tin khác