Thời sự
10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2021
Trọng Tín - Lê Toàn - 31/12/2021 15:43
Các sự kiện được bình chọn trên cơ sở giới thiệu từ các cơ quan báo chí và lấy ý kiến của người dân, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Sáng 31/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi lễ công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2021 của Thành phố.

Đây là kết quả được bình chọn qua 127 sự kiện nổi bật được đề xuất từ 13 cơ quan báo chí và người dân. Các sự kiện được bình chọn trên cơ sở giới thiệu từ các cơ quan báo chí của TP.HCM, Trung ương và lấy ý kiến của người dân, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị, quốc phòng, an ninh, trật tự, đối ngoại.

Theo ông Dương Anh Đức, năm 2021 là năm đặc biệt, chưa bao giờ trải qua, năm nay là năm lịch sử. Các sự kiện rồi sẽ đi qua nhưng những bài học để lại giúp chúng ta vững bước hơn trong chặng đường tới.

"Như lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chúng ta làm với tâm tốt nhất, lưu giữ để con cháu có dịp xem lại thời khắc oai hùng, bi tráng, thấy được tinh thần Việt Nam. Có khó khăn, có lúng túng nhưng với sự chia sẻ của Trung ương, đồng lòng của người dân thì TP.HCM đã vượt qua đại dịch", ông Đức nói

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật năm 2021 tại TP.HCM:

Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Tháng 5/2021, cùng với cả nước TP.HCM đã tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%.

Công tác bầu cử được đảm bảo an toàn đạt yêu cầu đề ra. Kết quả, TP.HCM có 30 đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 94 đại biểu trúng cử đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thành phố Thủ Đức - Thành phố đầu tiên của Thành phố trực thuộc Trung ương - chính thức đi vào hoạt động.

Ngày 9/12/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập “thành phố trong Thành phố trực thuộc Trung ương” của đất nước.

Sự hình thành của thành phố Thủ Đức là sự thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức, hoạt động của TP.HCM với mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội.

Quyết định 1538 ngày 16/9/2021 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, sẽ tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển Thành phố; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị; tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt và lớn nhất của cả nước hiện nay.

TP.HCM trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khốc liệt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát

TP.HCM trở thành tâm dịch của Việt Nam khi biến cố đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới bùng phát lần thứ 4. Thành phố đã huy động tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, trong đó có hơn 80.000 cán bộ y tế. Đây là sự huy động lớn nhất chưa từng có đối với đội ngũ ngành y tế. Nhu cầu được hỗ trợ, cung cấp thông tin của người dân tăng vọt đột biến.

Sau giai đoạn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã chuyển biến theo hướng tích cực. Kể từ ngày 1/10, số ca tử vong giảm từ ba con số mỗi ngày xuống còn hai con số. Số ca mắc mới, số ca nặng, thở máy cũng giảm so với thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát.

TP.HCM ứng phó với phát sinh chưa từng có trong phòng, chống dịch Covid-19

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, TP.HCM phát sinh những biến cố chưa từng có trong lịch sử: Tốc độ lây lan dịch bệnh quá nhanh, số ca tử vong tăng vọt, nhu cầu cần hỗ trợ của người dân về mọi mặt lớn nhất từ trước đến nay, thành phố chứng kiến số người dân rời Thành phố và quay lại Thành phố lớn nhất chưa từng có…

Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, HĐND Thành phố đã ban hành 3 Nghị quyết về chăm lo, hỗ trợ đối với người dân, lực lượng tuyến đầu trên địa bàn TP có khó khăn, ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đặc biệt, nhân dân và doanh nghiệp TP.HCM đã chung sức, đồng lòng cùng với hệ thống chính trị tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, đóng góp sức người và sức của, từ triển khai các hoạt động thiện nguyện, hình thành các mô hình “siêu thị 0 đồng”, ATM gạo, ATM oxy, vaccine tinh thần, các giải pháp công nghệ thông tin, mạng lưới thầy thuốc đồng hành… đến đóng góp kinh phí, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất.

Cả nước vì TP.HCM, cùng TP.HCM vượt qua đại dịch Covid-19

Trong thời gian thực hiện kiểm soát triệt để, nghiêm ngặt, giãn cách xã hội, người dân đã ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện từ đường phố đến khu dân cư. Các lực lượng chủ lực (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của Thành phố được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ.

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của hệ thống chính trị; nhân sỹ, trí thức, chức sắc, tu sỹ, tín đồ tôn giáo; doanh nhân, cán bộ nghỉ hưu, công nhân, nông dân, tiểu thương… cùng tình nguyện viên trong cả nước được huy động tổng lực để tham gia vào tất cả các lĩnh vực, các khâu của công tác phòng chống dịch. Dễ dàng nhận ra, chiến thắng đại dịch Covid-19 là chiến thắng của nhân dân.

Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” – Chương trình đối thoại đầu tiên của chính quyền cấp tỉnh với người dân trên nền tảng mạng xã hội

TP.HCM là địa phương duy nhất tổ chức kết nối giữa chính quyền với nhân dân qua chương trình “Dân hỏi –Thành phố trả lời” trên các nền tảng mạng xã hội, thể hiện sự mạnh dạn, tiên phong trong cách làm, mong muốn lắng nghe, đối thoại với người dân của chính quyền thành phố.

Qua 21 số phát sóng, chương trình đã thu hút được hơn hơn 50 triệu lượt người tương tác, gần 220.000 bình luận. Hơn 1,6 triệu lượt đăng ký nhận hỗ trợ của người dân thông qua chương trình đã được Ban tổ chức gửi về các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để xử lý. Nhờ đó góp phần thúc đẩy nhanh công tác giải

Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch Covid-19 trang trọng, xúc động và thiêng liêng

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và toàn thể người dân Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng.

Đồng thời buổi lễ cũng nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc để cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TP.HCM quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều điểm sáng về kinh tế

Trong điều kiện dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021.

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vẫn có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.520, giảm 41,22% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 13.175, tăng 51,61% so với cùng kỳ. TP.HCM giải quyết việc làm cho 300.437 lượt người, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng; trên địa bàn thành phố có 10.327 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 48,97 tỷ USD và dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực.

Thế trận quốc phòng toàn dân - An ninh nhân dân, lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống dịch Covid-19, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM

Lực lượng vũ trang TP.HCM tập trung lực lượng cho công tác phòng chống dịch, nhưng vẫn đeo bám, kiên trì trấn áp tội phạm, có những hoạt động hiệu quả, thiết thực góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Điều tra khám phá hơn 2.000 vụ (nổi bật là việc triệt phá đường dây đánh bạc gần 4 tỉ USD, bắt 2.081 đối tượng, tội phạm về trật tự xã hội giảm 187 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tai nạn giao thông đường bộ, cháy nổ cũng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tổ chức nhiều đợt ra quân tấn công, trấn áp các loại tội phạm, phát hiện và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật, triệt phá hàng chục vụ án ma túy lớn, xử lý nhiều vụ án vi phạm về quản lý kinh tế.

TP.HCM tận dụng thời cơ, tăng tốc chuyển đổi số, đối ngoại sáng tạo để thích ứng linh hoạt

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Trong thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, hội nghị trực tuyến, dịch vụ internet, viễn thông… tăng đột biến.

Lần đầu tiên, hàng loạt giải pháp công nghệ đã được triển khai trên quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất: Hệ thống khai báo y tế điện tử bằng mã QR; hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; hệ thống Bản đồ số; hệ thống Hội nghị hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn.

Tổng đài 1022 đã mở rộng thành 7 kênh để đáp ứng các nhu cầu khác nhau, triển khai nhanh các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như callbot, chatbot trong chăm sóc F0 của tổng đài 1022 tiếp nhận hàng trăm ngàn cuộc gọi/ngày, được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Tin liên quan
Tin khác