Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Nút giao thông khác mức Thành phố Tuy Hòa đang… “chờ dân” đi
Sau gần 4 năm thi công, Dự án Nút giao thông khác mức đường số 2 Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa (Phú Yên) - đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư hơn 556 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2022.
Nút giao thông khác mức TP. Tuy Hòa thưa thớt phương tiện giao thông. Ảnh: N.T |
Đây là nút giao liên thông bao gồm một cầu vượt đường sắt có điểm đầu tại đường số 2, thuộc Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa; điểm cuối tại đường Nguyễn Văn Linh và 2 nhánh rẽ khác kết nối với đường Nguyễn Tất Thành.
Tỉnh Phú Yên kỳ vọng công trình này đưa vào sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối hạ tầng Khu đô thị Nam TP.Tuy Hòa đến các khu công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn TP. Tuy Hòa, khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, công trình giao thông này sẽ giải quyết ùn tắc giao thông khi lưu lượng phương tiện giao thông từ phía Đông và phía Tây đường sắt với Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa.
Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay công trình nút giao thông này có 3 đầu vào và 3 đầu ra; trong đó từ cầu Đà Rằng qua, từ đường số 2 của Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa và đường Nguyễn Văn Linh lên.
Theo quan sát của phóng viên, dù đã đưa vào sử dụng, nhưng nút giao thông chỉ “lác đác” vài phương tiện qua lại.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, một lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Phú Yên cho rằng, phương tiện lưu thông qua cầu vượt đường sắt Nam TP. Tuy Hòa chưa nhiều, là do đầu vào của 3 tuyến đường này chưa “tương thích”.
Cụ thể, công trình nút giao thông theo tính toán sẽ đón đầu phục vụ dân cư của Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa lưu thông qua tuyến đường số 2. Tuy nhiên, hiện nay khu đô thị này vẫn chưa hình thành nên dân cư còn khá thưa thớt.
Bên cạnh đó, thiết kế phục vụ lưu thông ở đầu phía Bắc nút giao sẽ có 2 cầu Đà Rằng (gồm cầu Đà Rằng cũ và cầu Đà Rằng mới).
Tuy nhiên, Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Phú Yên giải thích, cầu Đà Rằng cũ hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nên phải rào chắn, không cho phương tiện giao thông từ nút giao vào cầu Đà Rằng cũ; các phương tiện lưu thông buộc phải lưu thông qua cầu Đà Rằng mới.
“Do điều kiện ngân sách tỉnh chưa phân bổ được nên cây cầu cũ này chưa được sửa chữa; nếu có tiền sửa cầu Đà Rằng cũ sẽ xe đi vào nhiều hơn. Hiện, cầu Đà Rằng mới mỗi bên chỉ có 1 làn xe chưa tới 6m, nên nếu có xe container di chuyển khiến nhiều người tâm lý e ngại mà chọn tuyến đường khác thay vì đi vào nút giao”, vị lãnh đạo này cho hay.
Ngoài ra, theo vị này, một lý do khác phương tiện giao thông chủ yếu chọn di chuyển trên tuyến đường tránh, ít chọn lưu thông qua nút giao vì tuyến đường dẫn bên phường Phú Lâm (đường Nguyễn Tất Thành – PV) đang bị hư hỏng nhiều.
“Tuyến đường ở phường Phú Lâm lưu thông vào nút giao do Sở Giao thông Vận tải phụ trách bảo trì. Tuy nhiên, chi phí bảo trì được Bộ Giao thông - Vận tải cấp theo từng năm, nên kinh phí sửa chữa hạn chế, chỉ làm được từng đoạn theo chi phí được phân bổ. Tuyến đường ở phường Phú Lâm không được tốt thì xe có xu hướng đi vào đường tránh”, vị này nói và cho rằng, nếu cầu Đà Rằng cũ được sửa chữa, tuyến đường ở phường Phú Lâm lưu thông vào nút giao được sửa chữa hoàn thiện thì sẽ thu hút nhiều hơn phương tiện giao thông qua cầu vượt.
Đề xuất Chính phủ bố trí 230 tỷ đồng hoàn thiện đường tránh Quảng Trị
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Văn bản (số 5463) trình Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, Dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Điểm đầu cảu đường tránh TP Đông Hà, Quảng Trị. |
Trong đó, dự án Đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị được quy hoạch và đầu tư xây dựng nhằm phân luồng, giảm tải giao thông trên Quốc lộ 1, hạn chế phương tiện lưu thông qua các trung tâm đô thị, tăng năng lực giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Dự án có chiều dài khoảng 22,4 km.
Năm 2019, dự án đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 2 đoạn tuyến dài 5,02 km. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến bố trí 399,96 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương để thực hiện 13,2 km. Như vậy, đến nay còn lại 4,2 km của dự án chưa được bố trí nguồn vốn để đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trước đó ngày 25/7, UBND tỉnh Quảng Trị có Văn bản số 144/TTr-UBND đề nghị hỗ trợ 230 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương từ chương trình để đầu tư hoàn thành dự án do trong thời gian vừa qua, lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua TP. Đông Hà rất lớn, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và thương tâm do xe tải, xe container gây ra, gây bức xúc trong nhân dân; cử tri địa phương nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các cấp quan tâm sớm triển khai thực hiện tuyến đường tránh này.
Đồng thời, cũng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trước đó tôi đại diện cho đại biểu Quốc hội cũng đã phản ánh ý kiến của cử tri và gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề đầu tư dự án nêu trên, ông Hà Sỹ Đồng cho hay.
UBND tỉnh Quảng Trị cam kết hoàn thành dự án trong năm 2023 để đảm bảo khai thác toàn tuyến, trong trường hợp phát sinh tăng tổng mức đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ bố trí đủ số vốn còn thiếu từ ngân sách địa phương để hoàn thành dự án.
Thống nhất vị trí xây cầu Mễ Sở vượt sông Hồng trên đường vành đai 4
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội về vị trí cầu Mễ Sở thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Sơ đồ qui hoạch cầu Mễ Sở và đường Vành đai 4 nối Thường Tín (Hà Nội) với Văn Giang (Hưng Yên). (Nguồn ảnh: Quyhoach.hanoi.vn). |
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc vị trí cầu Mễ Sở theo phương án đề xuất của UBND TP. Hà Nội tại văn bản số 2340/UBND-ĐT ngày 22/7/2022 do phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 được Quốc hội thông qua, phù hợp và kết nối đồng bộ với hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên, không ảnh hưởng đến khu di tích quốc gia và không phải di dời đường điện 500 Kv, 200 Kv trong khu vực.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu và quyết định vị trí cầu Mễ Sở trong dự án theo thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
“Trong các bước triển khai tiếp theo, UBND TP. Hà Nội cần tiếp tục khảo sát chi tiết, nghiên cứu so sánh cụ thể các phương án thiết kế để chuẩn xác vị trí cầu Mễ Sở bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, mỹ thuật, phát huy hiệu quả đầu tư công trình; cập nhật vị trí cầu Mễ Sở được quyết định trong dự án vào quy hoạch TP. Hà Nội đang triển khai lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch khác có liên quan; thỏa thuận thống nhất với UBND tỉnh Hưng Yên về vị trí cầu Mễ Sở”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Tại văn bản số 2340, UBND TP. Hà Nội cho biết là cầu Mễ Sở là công trình giao thông trên tuyến đường vành đai 4 kết nối TP. Hà Nội và Hưng Yên đã được xác định trong định hướng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, vị trí cầu thể hiện trong các đồ án quy hoạch còn chưa có sự thống nhất.
Cụ thể, theo Định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 200m về phía hạ lưu.
Theo phương án này, đường vành đai 4 đầu cầu đoạn trên địa phận TP. Hà Nội sẽ cắt qua khu di tích quốc gia Chùa Xâm Động, nằm trong hành lang an toàn tuyến điện cao thế 500Kv và 220 Kv hiện có, phải di dời cột điện khi thi công xây dựng tuyến đường. Đặc biệt, vị trí cầu theo phương án này không khớp nối được với đường đầu cầu phía Hưng Yên đã triển khai cắm mốc giới và quy hoạch các dự án đầu tư hai bên đường.
Trong khi đó, theo Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam đường 18 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, cầu Mễ Sở được xác định tại vị trí cách trạm bơm Hồng Vân khoảng 600m về phía hạ lưu.
Vị trí cầu Mễ Sở này cũng đã được cập nhật, xác định thống nhất trong các hồ sơ: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 208/TTr-CP ngày 23/5/2022, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và phù hợp với định hướng quy hoạch, mốc giới tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên.
“Sau khi xem xét các phương án vị trí cầu Mễ Sở nêu trên, UBND TP. Hà Nội thống nhất với phương án vị trí cầu Mễ Sở trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập, phù hợp với các quy hoạch có liên quan nêu trên đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và khớp nối thống nhất với vị trí, hướng tuyến đường vành đai 4 trên địa phận tỉnh Hưng Yên”, công văn số 2340 nêu rõ.
Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các đồ án quy hoạch của thành phố Hà Nội, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị cập nhật, chuẩn hóa vị trí cầu Mễ Sở trong các đồ án Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
“Do tiến độ cấp bách của Dự án, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm xem xét, có ý kiến thống nhất với vị trí cầu Mễ Sở theo phương án chọn nêu trên để UBND Thành phố có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo”,văn bản số 2340 nêu rõ.
Giao Bộ GTVT xem xét đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5230/VPCP – CN gửi Bộ GTVT, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh: Long An, Tiền Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tiền Giang; UBND tỉnh Long An và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tại các văn bản nêu trên theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Vào cuối tháng 7/2022, UBND TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trì họp cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc theo phương thức PPP. Đồng thời, giao cho một địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án theo quy định.
UBND TP.HCM cho biết, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h, mặt cắt ngang tuyến chính 8 làn (2 làn khẩn cấp); tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm mặt cắt 8 làn (2 làn xe thô sơ) được dự kiến mở rộng quy mô 8 làn xe giai đoạn sau năm 2020. Giai đoạn 1, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã đầu tư tuyến chính 6 làn xe (trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp). Hiện lượng xe qua đường cao tốc rất lớn, quy mô đầu tư giai đoạn 1 của tuyến chính và các tuyến nối được tính toán cách đây hơn 10 năm, không đáp ứng với nhu cầu đi lại. Đường cao tốc thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là các dịp cuối tuần, lễ tết; không đảm bảo cho việc kết nối vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, hiện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đối với Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Long An giữ vai trò là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thực hiện theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao - Thuê dịch vụ).
Nhà đầu tư này cũng đồng thời đề xuất cơ chế tổ chức thu phí dự án giai đoạn 1 để tạo nguồn đầu tư giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành vào năm 2025. Với cơ chế này, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng lên quy mô mặt cắt ngang 32,85m, gồm 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.355 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Nhà nước tham gia 2.650 tỷ đồng (50%); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 406 tỷ đồng; vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là 2.300 tỷ đồng. Trước mắt, ngân sách Nhà nước sẽ không phải bỏ ra ngay mà sẽ trả chậm trong 10 năm (sau khi thu phí giai đoạn 1), nhà đầu tư sẽ huy động vốn tự có và các nguồn vốn khác để thực hiện.
Đối với Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất mở rộng lên quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25m; tổng mức đầu tư ước khoảng 9.504 tỷ đồng.
Bộ Công thương đã trình lại Đề án Quy hoạch điện VIII
Ngoài làm rõ nhiều nội dung theo yêu cầu của Chính phủ, Đề án Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công thương trình lại tại tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022 có xin ý kiến 6 vấn đề.
Có 6 vấn đề được Bộ Công thương xin ý Thường trực Chính phủ trong tờ trình lần này là rà soát các Dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII; cề cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).
Sẽ không đưa thêm 14.120 MW nhiệt điện than vào Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Nhà máy Nhiệt điện than Duyên Hải 1. |
Cụ thể, việc không đưa một số dự án nhiệt điện than, khí (14.120 MW nhiệt điện than, 1.500 MW nhiệt điện khí) vào dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương báo cáo rõ tại Văn bản số 412/BCT-ĐL ngày 22/7/2022, phù hợp với đề nghị của các địa phương, kiến nghị của các chủ đầu tư. Do đó, cơ bản không có rủi ro về mặt pháp lý.
Một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định.
Về các dự án điện mặt trời, Bộ Công thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW.
Tuy nhiên, các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt. Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các dự án này được tiếp tục triển khai trong giai đoạn đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2030 khoảng 148.358,5 MW đối với phương án phụ tải cao phục vụ điều hành.
Đồng thời Bộ Công thương cũng đề nghị giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW (đã được Bộ Công thương báo cáo tại Văn bản số 3787/BCT-ĐL ngày 04/7/2022) sang giai đoạn sau năm 2030.
Liên quan đến Nghị quyết 55-NQ/TW, với thực tế Quy hoạch điện VIII là một phần của Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và đang dự kiến tổng công suất quy hoạch của các nguồn điện đến năm 2030 đạt 148.358 MW (gồm cả 2.428,42 MW nguồn điện mặt trời nếu được chấp thuận triển khai trước năm 2030); sản lượng điện đến năm 2030 khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh và nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ ở mức 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045, cao hơn so với Nghị quyết 55-NQ/TW do giảm quy mô nhiệt điện than.
Bộ Công thương cũng nhận định rằng, Quy hoạch điện VIII cơ bản phù hợp, không vi phạm với mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW. Bộ Công thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ về vấn đề này.
Thường trực Chính phủ cũng được kiến nghị xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn đến năm 2030 cụ thể như sau.
Tổng công suất các nhà máy điện (đã tính đến 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời sau khi đã rà soát nêu trên, đưa vào vận hành trước năm 2030) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Trong đó, thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795 - 28.946 MW chiếm tỷ lệ 19,5-22,1%; nhiệt điện than 37.467 MW chiếm tỷ lệ 25,3-31%; nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880 - 38.980 MW chiếm tỷ lệ 24,7-26,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) 21.666 - 35.516 MW chiếm tỷ lệ 17,9-23,9%; nhập khẩu điện 3.937 - 5.000 MW chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%.
Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công thương ban hành.
Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai sẽ áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như nêu để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.
Còn các dự án đã được công nhận vận hành thương mại: đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư nhằm hài hoà lợi ích giữa bên bán - bên mua - người tiêu dùng điện và nhà nước.
Đồng thời có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37/2011QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.
Về Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), hiện Dự thảo Quyết định đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến.
Ngoài ra, do có một số quy định mới sửa đổi, nên Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát, có ý kiến về thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế này để Bộ Công thương có cơ sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Đoạn cao tốc Hoà Liên - Túy Loan được chuyển sang đầu tư công
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 8212/BGTVT-CQLXD gửi TP.Đà Nẵng về Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn từ nút giao Hòa Liên đến nút giao Túy Loan dài khoảng 11,5km chạy qua địa bàn H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng).
Đoạn cao tốc Hòa Liên - Túy Loan dự kiến khởi công trong quý I/2023. |
Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức hợp đồng BT; đưa dự án Hòa Liên - Túy Loan vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo dự kiến, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2022 và triển khai các bước tiếp theo để có thể khởi công dự án trong quý 1/2023.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Hòa Liên - Túy Loan có tổng chiều dài khoảng 11,5 km. Điểm đầu dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên thuộc địa phận xã Hòa Liên; điểm cuối dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Phần chính tuyến thuộc dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô-tô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô phân kỳ 4 làn xe; bề rộng nền đường 22m, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 2.100 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đầu tư xác định điểm dừng kỹ thuật, bàn giao và quản lý các hạng mục dở dang, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai dự án cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan trong giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng sớm xem xét phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng theo thẩm quyền; đồng thời cho biết, về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án Hòa Liên - Túy Loan đã được tách thành tiểu dự án riêng, do UBND thành phố tổ chức thực hiện.
Đề xuất đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia quy mô 19 tỷ USD
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đề xuất tới Chính phủ cơ hội đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.
Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 100% vốn của SCG (Thái Lan) sẽ vận hành từng bước trong cuối năm 2022. Trước đó, Petrovietnam từng có 29% vốn tại dự án này. |
Theo Petrovietnam, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn và sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 rồi lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030 và tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại, bao gồm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và các nhà máy chế biến condensate là khoảng 12,2 triệu tấn và dự kiến tăng lên khoảng 13,5 triệu tấn sau khi mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Như vậy, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.
Khi đó Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu, ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045.
Cạnh đó, dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng được chưa tới 10 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Chưa kể mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước.
Đối với hóa dầu, năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu chính và phổ biến trong nước là 9,2 triệu tấn, dự báo sẽ tăng lên 11,9 triệu tấn vào năm 2025 và tới năm 2045 là 32,9 triệu tấn.
Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc hóa dầu là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định với công suất 5,8 triệu tấn xăng dầu/năm; 150.000 tấn PP/năm nhưng khó có khả năng mở rộng, thay đổi công nghệ mới.
Còn Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) mới đưa vào vận hành từ năm 2018, nhưng không ổn định và chịu sự ảnh hưởng lớn cũng như quyết định bởi các nhà đầu tư nước ngoài với công suất 6,5 triệu tấn xăng dầu/năm, 340.000 tấn PP/năm.
Đối với Tổ hợp hóa dầu miền Nam 100% vốn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu tư thì mới sắp đi vào hoạt động. Còn Nhà máy hóa dầu của Hyosung dự kiến đưa vào vận hành năm 2022-2023 với sản phẩm PP là 0,96 triệu tấn và PE là 0,95 triệu tấn/năm.
Như vậy, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước.
Trong tình hình địa chính trị có nhiều biến động phức tạp, giá cả leo thang, vận hành của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không ổn định như thời gian qua, khả năng dự trữ xăng dầu trong nước còn nhiều hạn chế, nên Petrovietnam thấy rằng, đầu tư một tổ hợp lọc hóa dầu công nghệ tiên tiến hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Petrovietnam và Việt Nam.
Với các phân tích của mình, Petrovietnam cũng cho rằng, việc xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu tiếp theo của Việt Nam tại khu vực miền Nam là hoàn toàn hợp lý và tối ưu.
Dự kiến Tổ hợp sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước. Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ, tùy thuộc vào quy mô công suất tổ hợp.
Tổ hợp cũng được chia làm 2 phần là Dự án Lọc hóa dầu và Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu.
Trong đó, Dự án lọc hóa dầu có giai đoạn 1 với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô/năm; 0,66 triệu tấn/năm condensate, LPG và Ethane. Sản phẩm của nhà máy sẽ là 7-9 triệu tấn xăng dầu và 2-3 triệu tấn hóa dầu/năm.
Giai đoạn 2 của Dự án lọc hóa dầu sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu lên thêm 3-5 triệu tấn xăng dầu và 5,5-7,5 triệu tấn hóa dầu/năm.
Còn Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm.
Petrovietnam cũng dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023.
Tiếp đó là lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6-12/2023 và tới quý I/2024 sẽ có phê duyệt quyết định đầu tư. Sau đó sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027.
Khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn 1 từ 12,5 - 13,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là 4,5 - 4,8 tỷ USD.
Nhiều dự án giao thông lớn ở ĐBSCL chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 - 2025
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021-2025, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 dự án giao thông đường bộ đang chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 109.541 tỷ đồng.
Trong 11 Dự án trên, có 2 dự án quan trọng quốc gia, 3 dự án nhóm A, 6 dự án nhóm B.
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng |
Cụ thể, 2 dự án nhóm quan trọng quốc gia gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau với tổng chiều dài 109 km, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công cuối năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 188,2 km, với tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, đi qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2026.
3 dự án nhóm A gồm: Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 có chiều dài 15,2 km, tổng mức đầu tư 8.015 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Dự án có chiều dài 27,43 km, tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2026.
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (sử dụng vốn ODA Hàn Quốc), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Dự án có chiều dài 26km, sơ bộ tổng mức đầu tư 4.770 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Còn lại là 6 dự án nhóm B gồm: 3 dự án đề xuất sử dụng trong chương trình DPO là: Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62 qua tỉnh Long An; Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh và Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ Ngã 5 cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp mặt đường tuyến Nam Sông Hậu.
Dự án đầu tư bổ sung một số hạng mục và và thảm mặt đường để tổ chức lại giao thông tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư với chiều dài 80 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 2 dự án là 1.700 tỷ đồng.
Dự án Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài 82,75 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Đầu tư 1.000 tỷ đồng xây nút giao Quốc lộ 51 với cao tốc Bến Lức - Long Thành
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về việc đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51, trong giai đoạn 1 của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Một đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được VEC tập trung hoàn thiện. |
Theo đó, VEC đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương sử dụng nguồn vốn (ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng) do VEC tự thu xếp từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư hoàn thiện các nút giao Quốc lộ 151 trong giai đoạn 1, Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm tạo sự kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác đồng bộ với Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành với quy mô đầu tư hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô, giải pháp kỹ thuật đã được phê duyệt bước thiết kế cơ sở của Dự án.
VEC cũng đề nghị đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước giao đơn vị này báo cáo Bộ GTVT và các Bộ ngành để hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định đối với bổ sung hạng mục nút giao Quốc lộ 51 trong giai đoạn 1 của Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trong đề xuất đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51, VEC kiến nghị bổ sung cầu vượt qua Quốc lộ 51 với quy mô tương đương với quy mô của dự án giai đoạn 1 và bổ sung 2 đường nhánh ra vào từ Quốc lộ 51 kết nối Nút giao Biên Hòa - Vũng Tàu đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tổng chi phí dự kiến thực hiện hạng mục này ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Do việc cân đối sử dụng các nguồn vốn hiện có trong Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (vốn vay ODA, vốn đối ứng) để cân đối đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 51 là không khả thi. Do đó, VEC dự kiến cân đối, sử dụng nguồn vốn hợp pháp của VEC để thực hiện đầu tư hạng mục này.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 57,7 km, với điểm đầu tại vị trí giao giữa đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và dự án đường vành đai 3 (tại khoảng Km12+100 - Lý trình đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương); điểm cuối là điểm giao với Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong giai đoạn 1, Dự án có điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 51 (tại khoảng Km35+350 - lý trình Quốc lộ51).
Theo hồ sơ thiết kế cơ sở của Dự án, nút giao Quốc lộ 51 (IC08) tại lý trình Km57+600 được thiết kế theo hình dạng kim cương (Diamond), đầu tư hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 do chưa có đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nên chưa làm cầu vượt, chỉ đầu tư nút giao đồng mức với Quốc lộ 51, mặt bằng bố trí đảo xuyến bán kính 50m; trong giai đoạn 2, đường cao tốc sẽ vượt trên Quốc lộ 51 bằng cầu vượt sau đó kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hiện nút giao Quốc lộ 51 giai đoạn hoàn thiện chưa được giải phóng mặt bằng (hiện tại mới chỉ GPMB đến phạm vi hết vòng xuyến (đến Km57+700); dự kiến phát sinh thu hồi đất với diện tích khoảng 3ha, công tác GPMB dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Theo VEC, hiện nay, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được gấp rút triển khai xây dựng giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành cuối năm 2024 và đưa vào khai thác đầu năm 2025).
Với quy mô là Cảng hàng không quốc tế lớn nhất, hiện đại nhất cả nước đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa khu vực TP. HCM và phụ cận, vì vậy nhu cầu kết nối các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc khi đưa Cảng hàng không vào khai thác là cấp thiết. Từ thực tế nêu trên, vấn đề đầu tư hoàn thiện các tuyến đường kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, được lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong những dự án giao thông trọng điểm quốc gia, dự án khi hoàn thành góp phần kết nối giao thông liên vùng miền Tây, vùng Đông Nam Bộ, khu vực TP. HCM với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thông qua cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Vì vậy, hạng mục đầu tư hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thông qua một phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa với Cảng hàng không và có thể giúp giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến đường khác (Quốc lộ 51, đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây…).
Đầu tư công tại Bình Dương tiền từ năm trước dự kiến năm nay chưa tiêu hết
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, năm 2021 tỉnh có 30 Dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 với tổng số là 3.633 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị giải ngân đến 31/7 chỉ đạt hơn 288 tỷ đồng. Dự kiến khả năng giải ngân đến 30/9 đạt 1.570 tỷ đồng, đến 31/12/2022 đạt 2.898 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, việc giải ngân chậm do tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm. Bên cạnh đó, do giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Đến ngày 31/7, Bình Dương đã giải ngân được 2.952 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33,1%; khả năng giải ngân đến 30/9 là 4.551 tỷ đồng, ước giải ngân cả năm 2022 là 7.194 tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch.
Trong 7 tháng của năm 2022, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao là Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn (69,9%); UBND Thành phố Thủ Dầu Một (62,8%); UBND huyện Dầu Tiếng (60,7%), UBND Thị xã Bến Cát (48,5%).
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2022 vẫn còn 15 đơn vị của Bình Dương chưa giải ngân được.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chậm giải ngân trong 7 tháng của năm 2022 do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án. Từ đầu năm nay giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Quảng Bình: Tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa đi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh tại huyện Lệ Thủy.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho biết phần diện tích các Dự án thành phần đi qua địa bàn là 306,4 ha. Toàn huyện có 146 hộ gia đình và 4 tổ chức bị ảnh hưởng; 590 ngôi mộ phải di dời; 171,64 ha các loại đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng; 125,14 ha đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ cần chuyển đổi mục đích sử dụng.
Hiện huyện Lệ Thủy đã hoàn thành việc thu hồi đất, kiểm đếm, đền bù đối với 22,28/31,35 km đường bộ cao tốc qua địa bàn. Về khu tái định cư, huyện Lệ Thủy thống nhất bố trí xây dựng tại 9 vị trí với tổng diện tích 11,3 ha cho 188 hộ dân thuộc diện di dời, bao gồm: xã Phú Thủy 4,5 ha, Sơn Thủy 0,5 ha, Trường Thủy 02 ha, Kim Thủy 1,5 ha và thị trấn Nông trường Lệ Ninh 2,8 ha. Ngoài ra, với 590 ngôi mộ cần di dời, huyện Lệ Thủy cũng đã bố trí 03 khu nghĩa trang mới với diện tích 6,5 ha tại các xã Sơn Thủy (05 ha) và Phú Thủy (1,5 ha).
Tại buổi kiểm tra, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và kiến nghị các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, ông Trần Thắng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền huyện Lệ Thủy trong việc chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ công tác bồi thường, GPMB các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Ông Thắng lưu ý lãnh đạo huyện Lệ Thủy và các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; bám sát kế hoạch triển khai để bàn giao mặt bằng sạch cho các ban quản lý dự án thi công; nghiên cứu, đề xuất và sớm triển khai xây dựng khu tái định cư, bảo đảm cho người dân có điều kiện sống tốt hơn, thuận lợi so với nơi ở cũ; tập trung thực hiện việc kiểm đếm, thu hồi đất; phối hợp giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khiếu nại, tố cáo (nếu có); đồng thời bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai dự án…
Cũng tại buổi kiểm tra, chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong đoàn đã đi kiểm tra thực địa một số khu vực triển khai Dự án trên địa bàn thị trấn Nông trường Lệ Ninh.