Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng nay tại Hà Nội,ngoài những vấn đề nóng mà cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước kiến nghị với Chính phủ Việt Nam liên quan tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thì vấn đề CPH Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng là vấn đề nóng được nhóm Công tác Thị trường Vốn mổ xẻ.
Theo đó, nhóm Công tác Thị trường Vốn nhận định, mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã rất tích cực lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, và đã cố gắng nhất có thể để hỗ trợ nhà đầu tư, nhưng những nhân tố làm thị trường chứng khoán đi xuống dường như đã không thuộc thẩm quyền của UBCK, mà đòi hỏi những quyết sách kịp thời và cương quyết từ Chính phủ.
Đại biểu dự VBF 2015 nhận định, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam mới chiếm khoảng 25% GDP, được xem là không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa (Ảnh: Đức Thanh) |
Sự so sánh về mức vốn hóa trên thị trường giữa các nước khu vực ASEAN cho thấy rõ điều đó. Thị trường Việt Nam với 91 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 46 tỷ USD, tương đương với 25% GDP của Việt Nam. Trong khi đó, Philippines, với 99 triệu dân, có mức vốn hóa khoảng 184 tỷ USD (gấp 4 lần Việt Nam), tương đương 65% GDP của nước này.
Thái Lan, với 69 triệu dân, có mức vốn hóa khoảng 418 tỷ USD (gấp 9 lần Việt Nam), tương đương 112% GDP của nước này; Malaysia, với 30 triệu dân, có mức vốn hóa khoảng 287 tỷ USD (gấp 6 lần Việt Nam), tương đương 88% GDP của nước này; Singapore, với 5 triệu dân, có mức vốn hóa của thị trường chứng khoán là khoảng 415 tỷ USD (gấp 9 lần Việt Nam), tương đương với 135% GDP của nước này; và Indonesia, với 251 triệu dân, có mức vốn hóa khoảng 397 tỷ USD (gấp 8 lần Việt Nam), tương đương với 45% GDP của nước này.
Như vậy, thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện sẽ không đủ mạnh để hỗ trợ quá trình cổ phần hóa.
Theo tìm hiểu của nhóm công tác, tổng giá trị các DNNN sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần nói trên thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này.
Tuy nhiên, tính từ tháng 1 đến ngày 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ vẻn vẹn 5 triệu USD, và vào Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM đạt 113,3 triệu USD.
Theo đó, để đẩy mạnh và phát triển thị trường chứng khoán, nhóm công tác này có đưa ra 3 kiến nghị.
Thứ nhất, liên quan đến tiến trình CPH và niêm yết các DNNN, Chính phủ cần cân nhắc CPH phải đi kèm với việc niêm yết các công ty đã được cổ phần hóa.
Thứ hai, để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25 đến 30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp
Thứ ba, tăng sở hữu nước ngoài. Trong 3 năm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đợi Chính phủ tăng sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng, và hiện tại chúng tôi vẫn đang đợi Chính phủ thông qua Nghị định 58/2012/NĐ-CP sửa đổi;
Để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những DNNN mới được CPH, Việt Nam cần mạnh dạn, kiên quyết xóa bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu 49% áp dụng đối với các công ty đại chúng như hiện nay, và áp dụng tỷ lệ sở hữu theo đúng cam kết WTO của Việt Nam đối với các công ty đại chúng kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ; và mở cửa toàn bộ thị trường bằng cách cho sở hữu không hạn chế đối với các công ty đại chúng kinh doanh trong các lĩnh vực khác không nằm trong cam kết WTO của Việt Nam (trừ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh quốc gia).