Từ “cởi trói” và “trao trả”
Năm 2016 khép lại, nhưng nhiều người nhắc đến năm 1986 - cách đây tròn 30 năm, Việt Nam thực hiện công cuộc chuyển đổi ngoạn mục, đưa nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nhà nước kiểm soát hầu hết các nguồn lực và chi phối đến mọi mặt của hoạt động kinh tế thông qua các kế hoạch và mệnh lệnh hành chính. Theo Hayek (1899–1992), nhà nước trong một nền kinh tế kế hoạch hóa sẽ không bao giờ có đủ khả năng và thông tin để có thể hiểu biết về mọi nhu cầu của các cá nhân và sự tinh vi của nền kinh tế. Chính vì vậy, các kế hoạch của nhà nước thường không hiệu quả và luôn theo sau các hành vi của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tầm nhìn và khát vọng xây dựng một nền công nghiệp nông nghiệp hiện đại trên lợi thế của Việt Nam. |
Kết quả của các nền kinh tế kế hoạch hóa là phân bổ nguồn lực không hiệu quả, đôi lúc dư thừa nhưng đôi khi lại thặng dư, trói buộc sự tự do kinh tế (Hayek 1935, 1994), kìm hãm nhu cầu tự quản lý (Hahnel 2002) và thậm chí gây bất ổn kinh tế thay vì giảm nhẹ sự bất ổn (Zielinski 1973).
Năm 1986 thật sự đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử kinh tế Việt Nam khi vai trò lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và phân phối thu nhập được Nhà nước chuyển dần sang cho thị trường. Nhà nước cũng từ bỏ dần chức năng đại diện sở hữu và kiểm soát nhiều nguồn lực quốc gia, thừa nhận đa hình thức sở hữu các yếu tố sản xuất, cho phép tư nhân hóa các tài sản công.
Có thể nói rằng, tư duy đổi mới được khởi nguồn từ năm 1986 đã vượt tầm nhìn của thời đại mà phải hàng thập niên sau đó nhiều người mới thừa nhận, trong đó có cả những người mà ở thời kỳ đầu đã từng hoài nghi. Những cải cách đột phá không những đã giúp đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng mà còn giành được nhiều thành tích to lớn trên nhiều phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị.
Từ một nước thiếu đói và phải nhận viện trợ lương thực của nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo và lương thực hàng đầu thế giới; từ một nước có thu nhập trung bình đầu người chưa tới 750 USD, đến nay thu nhập đạt trên 6.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua); công cuộc giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao; nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; vị thế địa kinh tế và chính trị của Việt Nam trên bản đồ thế giới ngày càng được củng cố và nâng cao. Những thành quả này là không thể phủ nhận, không chỉ từ góc nhìn chủ quan trong nước mà ngay cả bằng lăng kính của các tổ chức và học giả quốc tế.
Vai trò của những cải cách tạo ra từ năm 1986 cho đến những năm sau đó mang tính cởi trói, tức là cởi bỏ các trói buộc khiến cho cơ chế thị trường không thể vận hành đúng và phát huy đầy đủ các chức năng vốn có của nó. Những cải cách chính sách được tiến hành, bắt đầu từ thừa nhận sự tồn tại của đa hình thức sở hữu và nhờ đó tạo nền tảng cho sự ra đời của nền kinh tế thị trường. Khu vực tư nhân được trao trả lại những gì thuộc về họ và điều này đã tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng của 30 năm qua. Nhà nước rút dần bàn tay của mình và thay bằng “bàn tay vô hình” của thị trường. Điều đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, Nhà nước vẫn chưa phân nhiệm được một cách mạch lạc giữa chức năng của nhà nước với thị trường, cả trong vai trò sở hữu lẫn vai trò quản lý và phân phối. Những e ngại về mặt trái của nền kinh tế thị trường khiến cho nhiều cải cách theo hướng thị trường luôn bị do dự. Rõ ràng, những khuyết tật của kinh tế thị trường là có, nhưng Nhà nước càng có vai trò quan trọng hơn chứ không phải là mất đi vai trò của mình.
Tựu trung lại, trong khi những cải cách tiếp theo đang chững lại, thì quán tính của các cải cách trước đây đã không còn đủ để tiếp tục đẩy nền kinh tế tiến lên. Mặc dù đã trải qua 30 năm cải cách, nhưng đến nay nhiều nan đề của cải cách lần đầu vẫn chưa được giải quyết, như vấn đề sở hữu đất đai; nhiều khó khăn tích tụ dần qua các thời kỳ như thâm hụt ngân sách và nợ công; trong khi các thách thức mới lại nổi lên như sự tinh vi của nền kinh tế, sự tinh thông của doanh nghiệp và sự tinh tường của người dân ngày càng tăng lên. Điều này đặt ra yêu cầu nhà nước cần phải tự nâng cấp mình để đáp ứng với yêu cầu mới đó.
Các cải cách kinh tế lần đầu từ cuối thập niên 1980 đến nay chủ yếu mang tính chất “cởi trói” và “trao trả”. Quá trình này vẫn còn tiếp tục, nhưng vai trò và chức năng của nhà nước không phải là “trao trả”, vì đó là trách nhiệm của lịch sử. Vai trò của nhà nước phải là kiến tạo và thúc đẩy, chức năng của nhà nước là sửa chữa các thất bại của thị trường. Sứ mạng của một nhà nước mới phải được hình thành trên tư duy đó.
Đến một Chính phủ liêm chính và kiến tạo
Hầu hết các ứng viên Tổng thống Mỹ đều có những khẩu hiệu tranh cử. Slogan tranh cử Tổng thống của Donald Trump là “Đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại” (Make America Great Again), của Hillary Clinton là “Cùng nhau thêm mạnh mẽ hơn” (Stronger Together), của Obama là “Vâng, Chúng ta có thể thay đổi” (Yes, We can), của Mitt Romney là “Tin vào nước Mỹ” (Believe in America). Việt Nam không có những khẩu hiệu tranh cử như vậy và Chính phủ Việt Nam cũng thường không nêu khẩu hiệu hành động. Gần đây, mọi người nghe nhiều đến cụm từ Chính phủ liêm chính và kiến tạo của Chính phủ mới. Thiết nghĩ, đây không phải là một khẩu hiệu thông thường, nó vượt lên trên ý nghĩa của một khẩu hiệu suông, nó là sứ mạng.
Sẽ là thừa, bởi chính phủ nào mà không buộc phải liêm chính và như đã đề cập, vai trò của chính phủ là phải kiến tạo sự phát triển. Tuy nhiên, việc Chính phủ mới lựa chọn phương châm liêm chính và kiến tạo có nội hàm hết sức sâu sắc. Chính phủ liêm chính tức là một Chính phủ “hồng”, coi liêm chính là cái gốc của Chính phủ kiến tạo. Nội hàm của Chính phủ liêm chính tức là sự liêm khiết, chính trực, tự trọng, trách nhiệm, minh bạch, công tâm, chí công vô tư. Để là một Chính phủ liêm chính, mỗi thành viên Chính phủ, từ lãnh đạo cao nhất cho đến cấp dưới phải là những con người mẫu mực (sống gương mẫu, làm việc đúng mực); phải biết xấu hổ, có liêm sỉ; phải làm gương “thượng tôn pháp luật”; tuyệt đối không suy nghĩ vụ lợi; phải có sự can đảm và dũng khí; sẵn sàng tự loại mình ra khỏi hệ thống nếu thấy mình không xứng đáng. Một Chính phủ liêm chính đòi hỏi mỗi thành viên, mỗi người trong Chính phủ phải biết liêm sỉ và luôn thực hành liêm chính.
Tuy nhiên, một Chính phủ liêm chính là chưa đủ. Việt Nam cần phải có một Chính phủ chuyên nghiệp (từ tổ chức cho đến con người) mới có thể đáp ứng được sự tinh vi, tinh thông và tinh tường của nền kinh tế - xã hội. Nói khác đi, một sứ mạng của Chính phủ mới hiện nay phải là kiến thiết và tạo dựng, tức là kiến tạo. Kiến thiết là cơ sở của thực tiễn, của lịch sử hơn 30 năm đổi mới đất nước, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tư tưởng xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh. Mô hình chính phủ kiến thiết thể hiện tư duy phát triển mới, phù hợp với xu hướng của các mô hình nhà nước mới trong thế kỷ 21.
Kiến thiết không tách rời với tạo dựng, tức là tạo dựng các nền tảng cho sự phát triển bền vững, tạo dựng cơ hội cho những người tài năng có thể phát huy năng lực và cống hiến; tạo dựng các lợi thế cạnh tranh cho quốc gia, tạo dựng năng lực sáng tạo và đổi mới cho nền kinh tế, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho người dân; tạo dựng môi trường tốt để nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn hóa và vốn xã hội. Chính phủ kiến tạo thể hiện tư duy rất mạch lạc trong việc phân nhiệm chức năng và vai trò giữa nhà nước với thị trường và với xã hội.
Một Chính phủ liêm chính và kiến tạo còn phải là một Chính phủ phục vụ và hành động. Chính phủ và tất cả thành viên của mình phải xem người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không chỉ là đối tượng quản lý. Tức là, cái gì người dân, doanh nghiệp đang cần, đang thiếu, đang yếu thì phải chủ động tìm đến “gõ cửa” phục vụ, giúp đỡ, hỗ trợ chứ không phải rình rập, canh me để xử phạt. Chính phủ hành động tức là nói phải đi đôi với làm, phải lấy sự sinh động của thực tiễn, sự đòi hỏi của cuộc sống và nhu cầu của sự phát triển làm cơ sở hành động chứ không phải là giáo điều, máy móc và duy ý chí.
Chỉ chưa đầy một năm chính thức nhận nhiệm vụ, chúng ta không chỉ nghe thấy những tuyên bố thể hiện quyết tâm cải cách mà còn thấy được những hành động mạnh mẽ và quyết liệt của Chính phủ mới, trong đó nổi bật nhất có lẽ là tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, loại bỏ hơn 3.500 giấy phép con, tiến hành đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 100 về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư của nhiều địa phương, cho đến xử lý những chuyện nhỏ, nhưng có tác động lan tỏa lớn như vụ quán cà phê Xin Chào hay vụ kinh doanh điện thoại “cùi bắp.”
Những hành động của Chính phủ đã ít nhiều nhen nhóm niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn nhiều người nghi ngờ, như nhiều người cũng đã từng nghi ngờ cách đây 30 năm. Chính sách nào cũng có độ trễ và cần thời gian để phát huy tác dụng. Tuy nhiên, cũng giống như việc ươm trồng một cái cây, để có được cái cây khỏe mạnh và xanh tốt không chỉ cần phải ươm tạo được một cây giống tốt mà còn phải thường xuyên chăm bón và đặc biệt là phải bắt sâu, diệt cỏ dại.
Cũng giống như bối cảnh 30 năm về trước, trên nền tảng tư tưởng đổi mới năm 1986, chính những cải cách liên tục và bền bỉ những năm sau đó mới trực tiếp tạo ra những thành quả tăng trưởng. Liệu 30 năm nữa mọi người có nhắc đến năm 2016 nhiều như chúng ta nhắc đến năm 1986 hay không, điều đó còn tùy thuộc vào những chính sách và hành động tiếp nối của Chính phủ.