Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam xuất hiện một số tín hiệu tích cực như:
Mẫu hình nến đảo chiều tăng Bullish Engulfing hình thành trên đồ thị theo khung thời gian tuần;
Trên đồ thị theo khung thời gian ngày, chỉ báo MACD cắt lên đường tín hiệu cho thấy khả năng tăng của BID;
Khối lượng giao dịch có chuyển biến tích cực trong những phiên giao dịch gần đây;
Tín hiệu phân kỳ với đường giá cũng đã xuất hiện trên chỉ báo Stochastic trong giai đoạn 4-21/4/2016.
Mặt khác, BID đang gặp lực cản ngắn hạn ở quanh ngưỡng 18, ngưỡng trùng với đường MA100, ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6% (của nhịp giảm từ 09/2015 đến 01/2016) và mây Kumo trong Ichimoku.
BID sẽ test vùng hỗ trợ là khoản gap hình thành trong phiên giao dịch ngày 25/04/2016 ở vùng 17-17.5.
Nếu bật tăng trở lại sau khi test thành công vùng hỗ trợ 17-17.5, cùng với khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức tích cực, BID có thể vượt qua ngưỡng cản 18 để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo 21-21.6, vùng có sự hiện diện của đường MA200, ngưỡng Fibonacci Retracement 50% và vùng tích lũy của BID trong giai đoạn tháng 12/2015. Hành động
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào ở vùng giá 17-17.5, với khối lượng giao dịch duy trì ở mức tích cực (trên 1.5 triệu cổ phiếu/phiên). Kỳ vọng giá BID có thể tăng lên test vùng 21-21.6. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 15.9.
BID: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Theo thông tin từ ĐHĐCĐ 2016, trong quý I/2016, BID ước đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 1.900 tỷ đồng, tăng 3% cùng kỳ và hoàn thành 24% kế hoạch năm. Tăng trưởng tín dụng quý I cao hơn trung bình ngành, đạt 3,6% ytd, trong khi tăng trưởng huy động cũng đạt 3% ytd. Tỷ lệ LDR của BID theo tính toán của chúng tôi đã tăng nhẹ lên mức 95,5%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hết quý I đạt 37%.
Liên quan đến việc HAG gặp khó khăn về thanh khoản, hiện dư nợ của BID tại HAG đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, với tổng giá trị tài sản đảm bảo là 18.000 tỷ đồng.
Về kế hoạch tăng vốn, BIDV dự định thực hiện tăng vốn thêm 9.446 tỷ đồng trong năm 2016 từ 3 nguồn sau: (1) Phát hành 6,2% vốn điều lệ ra công chúng và Nhà nước từ chối quyền mua (nhưng sẽ tạm ứng và hoàn trả khi BID phát hành thành công cho cổ đông chiến lược); (2) Phát hành 4,4% từ nguồn thặng dư thoái vốn tại VID Public Bank và bán cổ phần công ty con; (3) Phát hành 8,54% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu, cổ đông Nhà nước sử dụng Ngân sách Nhà nước để mua cổ phần.
Về kế hoạch cổ tức, BID sẽ trả cổ tức cổ phiếu cho năm 2015 tỷ lệ 8,5% và kế hoạch cổ tức 2016 giảm xuống 7%, cũng bằng cổ phiếu.
Kế hoạch kinh doanh 2016, BID đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18% và tăng trưởng huy động tiền gửi đạt 22%. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch là 7.900 tỷ đồng, giảm 0,6%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Chúng tôi đánh giá kế hoạch kinh doanh trên của BID là hợp lý do: (1) Tỷ lệ LDR ở mức cao và không còn dư địa tăng thêm khiến BID phải đặt kế hoạch tăng huy động nhiều hơn tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM. (2) Chi phí dự phòng rủi ro tăng cao do BID phải tăng mạnh trích dự phòng cho Trái phiếu đặc biệt VAMC. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầy tư chỉ nên THEO DÕI cổ phiếu BID.
2. PNJ: Hạn chế mua đuổi giá
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh quý I/2016 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ - sàn HOSE) khả quan. Doanh thu thuần đạt 2.330 tỷ đồng, tăng 9,03% cùng kỳ, lợi nhuận gộp 421,35 tỷ đồng, tăng 42,97%. Biên lợi nhuận gộp đạt tới 18,08%, tăng mạnh so với mức 13,79% của cùng kỳ 2015, doanh nghiệp lý giải do tăng lượng vàng trang sức bán lẻ và giảm tiêu thụ vàng miếng. Trong quý I/ 2016, PNJ đã trích lập 84,69 tỷ đồng, hoàn thành trích lập 100% cho khoản đầu tư vào Ngân hàng Đông Á.
Kế hoạch 2016 của Công ty với chỉ tiêu doanh thu thuần 8.782 tỷ đồng, tăng 14%, lợi nhuận gộp 1.296 tỷ đồng, tăng 14%. Dự kiến trích lập dự phòng 115 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 361,41 tỷ đồng, EPS 2016 = 3.678 đồng và bằng 4.848 đồng nếu không tính trích lập dự phòng.
Quan điểm kỹ thuật, PNJ tiếp tục duy trì động lực tăng giá tốt, tuy nhiên chỉ báo xung lượng đã đi vào vùng quá mua. Nhà đầu tư nên hạn chế mua đuổi, chờ mua vào tại nhịp điều chỉnh khi RSI giảm khỏi ngưỡng quá mua. Giá chờ mua dự kiến 52.000 đồng.
3. TMS: Cân nhắc mua vào
CTCK BIDV (BSC)
Kế hoạch 2016 của CTCP Transimex - Saigon với doanh thu 507 tỷ đồng, tăng 3,7%; lợi nhuận trước thuế 219,25 tỷ đồng, tăng 24,6%; EPS 2016 khoảng 7.074 đồng, tăng 13,16% (tính theo số lượng cổ phiếu 26.610.571 bao gồm số trái phiếu chuyển đổi trong năm 2016 và 665.264 cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành trong tháng 5/2016).
Thoái vốn tại HAH trong năm 2016 do quy hoạch xây thêm cầu của thành phố Hải Phòng, HAH nằm ở khu trong sẽ khó mở rộng và phát triển. Tính đến 31/12/2015, TMS đang nắm 5.656.250 cổ phần, chiếm 24,38% vốn điều lệ, giá gốc khoản đầu tư là 86,75 tỷ đồng (giá CP HAH tại 25/04/2016 là 42.500 đồng).
Quan điểm kỹ thuật, TMS nhiều khả năng đã kiểm định xong đáy 65, chỉ báo xu hướng MACD và chỉ báo RSI đã xác nhận tín hiệu đảo chiều. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào tại vùng hỗ trợ 68 hiện tại. Giá mục tiêu 78, dừng lỗ 62.
4. QHD: Hấp dẫn bởi cổ tức trả cao
CTCK MB (MBS)
CTCP Que hàn điện Việt Đức (mã QHD) chuyên sản xuất các loại vật liệu hàn bao gồm các nhóm sản phẩm chủ yếu là dây hàn và que hàn. Sản phẩm của công ty phục vụ cho ngành đóng tàu, lắp máy, sản xuất sửa chữa ô tô, xây dựng dân dụng.
Công ty là nhà sản xuất độc quyền sản phẩm que hàn N46 tại Việt Nam, sản phẩm này chiếm khoảng 70% sản lượng tiêu thụ của công ty. Công ty hiện có 6 dây chuyền sản xuất que hàn bán tự động có công suất 14.000 tấn/năm. Sản phẩm của Công ty được cung ứng cho thị trường cả nước thông qua hệ thống bạn hàng được thiết lập ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam, chiếm 30% tổng thị phần tiêu thụ trong cả nước.
Các ngành sản xuất có liên quan trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm của QHD như đóng tàu, thủy điện, cơ khí, ô tô, xe máy có dấu hiệu phát triển mạnh trong vài năm tới. Dự kiến năm 2016, nhu cầu về vật liệu hàn sẽ tăng khoảng 10-12% và khoảng 15-20% trong các năm tiếp theo.
Hiện tại sản phẩm của công ty cung cấp trên toàn bộ thị trường miến Bắc gần tới 90% sản lượng tập trung vào ba nhóm khách hàng chủ lực: Cơ khí-Đóng tàu (40% sản lượng), lắp máy (10%), xây dựng công nghiệp (30%), dân dụng (20%).
Kết quả kinh doanh quý I/2016 của QHD tăng trưởng tích cực với doanh thu thuần đạt 76,3 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán thay đổi không đáng kể qua đó giúp lợi nhuận gộp đạt 19,3 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi ròng đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng 106% so với quý I/2015.
Với lịch sử chia cổ tức đều đặn từ 25-40% bằng tiền mặt trong hai năm trở đây, đây là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ngày 21/1/2016, QHD đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, tỷ lệ 25%/cổ phiếu.