1. HBC: Xem xét mua vào
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
HBC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình vẫn đang chuyển động bên trên đường xu hướng tăng dài hạn bắt đầu từ 12/2014.
Trong phiên giao dịch ngày 25/04/2016, HBC đã thoát khỏi kênh xu hướng giảm ngắn hạn bắt đầu từ 01/2016 và cả đường MA100, với khối lượng giao dịch gia tăng mạnh.
Khối lượng giao dịch duy trì tích cực và HBC bật tăng trở lại trong hai phiên giao dịch gần đây cho thấy khả năng HBC đã kiểm định thành công các ngưỡng cản này.
Do đó, nhiều khả năng HBC có thể tiếp tục quay trở lại xu hướng tăng được xác lập bởi việc thoát khỏi kênh xu hướng giảm và vượt lên trên đường MA100.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua vào HBC nếu khối lượng giao dịch duy trì được trên 460,000 cổ phiếu/phiên, kỳ vọng giá HBC có thể tăng lên test lại vùng đỉnh cũ 22-22.7. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 18.6.
2. DPM: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Hoạt động sản xuất kinh doanh 2015 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP (mã DPM) diễn ra khá thuận lợi với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với năm trước và vượt kế hoạch năm. Cụ thể, doanh thu đạt 10.047 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm trước và vượt 8,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 35,8% và vượt 42,1% kế hoạch năm.
DPM đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016 dựa trên kịch bản giá dầu 60 USD/thùng, giá bán 7.000 đồng/kg. Cụ thể, sản lượng urê tiêu thụ đạt 830 ngàn tấn, giảm 0,6%; doanh thu thuần đạt 9.105 tỷ đồng, giảm 9,3%; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 1.228 tỷ đồng, giảm 17,5%.
Tại ĐHCĐ, Tổng công ty cũng đã trình việc nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2015 từ 2.500 đồng/cp lên 4.000 đồng/cp. DPM mới chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 là 2.500 đồng/cp và cổ tức còn lại 1.500 đồng/cp sẽ được chia vào cuối quý II/2016.
Kết quả kinh doanh quý I/2016 cho thấy giá bán thấp tiếp tục là vấn đề mà DPM đang phải đối mặt. Doanh thu hợp nhất trong quý đạt 1.991,6 tỷ đồng, giảm 14,3% cùng kỳ và đạt 21,9% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 406,7 tỷ đồng, giảm 14,9% cùng kỳ và đạt 33,1% kế hoạch năm. Mặc dù giá khí đầu vào quý I/2016 là 3,2 USD/MMBTU, tuy nhiên giá bán của DPM trong quý là 6.332 đồng/kg, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ 2015.
P/E trailing của DPM vào khoảng 9 lần. Cho dù kết quả sản xuất kinh doanh có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng DPM vẫn có thể đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra, khi đó EPS dự phóng khoảng 2.750 đồng/CP (đã loại trừ 15% lợi nhuận sau thuế lập quỹ phúc lợi - khen thưởng ban điều hành), P/E 2016 sẽ tăng lên mức 10,7 lần. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu DPM và kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh 2017 sẽ tốt hơn, cũng như chính sách cổ tức luôn là điểm hấp dẫn của DPM.
3. MSN: Khuyến nghị mua
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 3 tháng đầu năm 2016 của CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) đạt mức rất ấn tượng, lần lượt gấp hai lần và bảy lần so với cùng kỳ nhờ thương vụ mua lại công ty thức ăn chăn nuôi Masan Nutri-Science diễn ra vào tháng 5/2015.
Lợi nhuận của MSN tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng của chúng tôi, chỉ tương đương 17% dự phóng. Chi phí bán hàng của mảng thực phẩm và đồ uống tăng mạnh 58% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 24% doanh thu, cao hơn mức 19% trong cả năm 2015. MSN cho biết nguyên nhân đến từ việc tăng chi phí quảng cáo sản phẩm cà phê.
Việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm mới có thể khiến công ty gặp khó khăn trong việc duy trì chi phí ở mức cũ; do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng giả định khoản mục này, dẫn đến việc dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2016 giảm từ 2.381 tỷ đồng xuống 2.091 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này có ảnh hưởng không đáng kể, chỉ khiến giá trị nội tại của MSN giảm 2%; do đó, chúng tôi vẫn duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu MSN cùng giá mục tiêu 92.000 đồng/cổ phiếu. Hôm nay, giá cổ phiếu MSN đi ngang tại mức 71.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với P/E năm 2016 và năm 2017 lần lượt là 25,5 lần và 18,8 lần.
4. GMD: Khuyến nghị mua dài hạn
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
CTCP Gemadept (HSX: GMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý I/2016 với doanh thu thuần đạt 848 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận gộp tăng 9,5%.
Trong năm 2015, GMD đã đưa hai trung tâm phân phối mới vào hoạt động bao gồm trung tâm phân phối số 3 ở tỉnh Bình Dương và trung tâm phân phối Mega DC ở tỉnh Hải Dương; chúng tôi tin rằng hai trung tâm phân phối này là động lực chính giúp doanh thu mảng dịch vụ logistics tăng trưởng trong quý I/2016. Do phân khúc này có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với phân khúc vận tải biển, biên lợi nhuận gộp của toàn mảng dịch vụ logistics đã có sự tăng trưởng đáng kể trong quý 1 vừa qua.
Bên cạnh đó, nhờ tỷ giá giữa VND và USD đã ổn định trở lại nên chi phí tài chính của GMD trong quý I/2016 ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, công ty cũng ghi nhận khoản lỗ 52 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản cố định; theo đó, lợi nhuận ròng của GMD chỉ tăng trưởng nhẹ 4,0% so với quý I/2015.
Chúng tôi cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của công ty vẫn nằm trong dự phóng của VPBS. Theo đó, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu GMD cùng khuyến nghị MUA dài hạn và giá mục tiêu 46.400 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời là 15,5%, bao gồm lợi suất cổ tức kỳ vọng là 4,8%).
Hôm nay, giá cổ phiếu GMD giảm 1,2%, đóng cửa ở mức 41.900 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E cơ bản là 12,8 lần; P/E pha loãng là 18,2 lần và P/B là 1,0 lần. Tại mức giá này, P/E cơ bản năm 2016 dự phóng là 11,5 lần và P/E pha loãng là 16,3 lần. (P/E pha loãng được tính sau khi chuyển đổi 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi sở hữu bởi VIG sang cổ phiếu thường).