Những người có xe sang chưa chắc đã giàu. Ảnh: Pulse. |
Đây là bài viết của chuyên gia tài chính cá nhân, tác giả 17 cuốn sách về quản lý tiền bạc, làm giàu John Wasik trên Fobes:
Giàu có thời nay không giống như trước đây nữa. Khi tôi lớn lên, những ai có chút tiền thường sẽ có nhà to, xe sang, du thuyền, những kỳ nghỉ xa hoa.
Nhưng thời nay, những người có những thứ đó vẫn có thể sắp vỡ nợ hoặc đang nợ chồng chất và lối sống tiêu dùng của họ có khi chỉ là một tấm bình phong. Vậy người thực sự giàu sẽ có gì?
Theo Thomas Corley (người Mỹ), tác giả cuốn sách Những thói quen giàu có thì những người thực sự giàu không cần phải khoe mẽ những gì mình đạt được và họ có rất nhiều tự do.
Corley đã phỏng vấn 233 người giàu và 128 người nghèo (những người kiếm được dưới 35.000 USD mỗi năm hay có dưới 5.000 USD tài sản dễ mua đi bán lại). Ông phát hiện rằng những người ông coi là giàu có kiếm hơn 160.000 USD thu nhập hằng năm và có 3,2 triệu USD tài sản dễ quy đổi thành tiền mặt. Thú vị hơn:
- Những người trong nhóm giàu có không bị mắc nợ, kể cả khi họ mua những tài sản lớn như các căn biệt thự bề thế.
- Họ mua xe hơi bằng tiền mặt, không vay và không phải trả góp.
- Họ đủ khả năng để chi trả cho con, cháu học đại học mà không phải vay mượn.
- Họ không còn cần phải làm việc để đủ khả năng duy trì nếp sống, đủ tiền để đi du lịch và có thể đáp ứng các chi phí phát sinh mà không phải nợ nần.
- Thu nhập thụ động (đầu tư) của họ vượt mức chi phí sinh hoạt, họ có tiền mặt để trang trải các chi phí lớn như chăm sóc sức khỏe dài hạn hay các khoản phí về y tế. Nói cách khác, họ không cần phải mua bảo hiểm để trang trải các chi phí lớn liên quan tới sức khỏe.
Bạn có thể trở nên giàu có bằng cách nào?
Bạn có thấy hai yếu tố quan trọng nhất của người giàu có trong nghiên cứu của Corley? Đừng rơi vào nợ nần hay hãy trả hết các khoản vay mượn trước khi đầu tư và xây dựng một khoản tích lũy tiền mặt đủ để trang trải các tình huống khẩn cấp.
Tất nhiên, công bằng mà nói, số tiền gây vốn 3,2 triệu USD và dòng thu nhập 160.000 USD của Corley có thể không đủ để trang trải một lối sống xa hoa. Và nó có thể chẳng còn là bao nếu bạn phải sống dè sẻn lắm mới tích lũy được số đó hay đang trú ngụ ở vùng đắt đỏ.
Cũng cần chú ý rằng sự an toàn tài chính đi liền với sự đảm bảo về giáo dục và sức khỏe. Nếu bạn bị chao đảo bởi các khoản nợ về y tế hay giáo dục, bạn khó có thể được gọi là vững vàng về tài chính.
Để tránh hai nguy cơ này, bạn sẽ cần vừa tích lũy càng nhiều càng tốt, vừa có kế hoạch bảo hiểm sức khỏe hay đầu tư thật hợp lý vào khoản giáo dục cho con cái. Có như vậy, bạn mới không bị đánh gục trước các tai họa lớn như mất nhà hay mất việc, có vấn đề về sức khỏe hay con cái đi học quá tốn.
Việc đầu tư và tiết kiệm cũng là yếu tố cần thiết. Bạn càng tiết kiệm nhiều - bao gồm khoản cho các trường hợp khẩn cấp - thì bạn càng yên tâm hơn. Điều đó có nghĩa là khi về hưu, bạn có thể nhàn nhã, đi du lịch thoải mái, tận hưởng những điều giản dị của cuộc sống mà không phải lo tới chủ nợ.
Tôi lấy chính trường hợp của mình ra làm ví dụ: Cách đây vài năm, khi vợ tôi bị chẩn đoán ung thư vú, chúng tôi đã có một kế hoạch dự phòng từ trước cho những tai ương về sức khỏe.
Chúng tôi phải trang trải các hóa đơn tốn kém nhưng không vượt đáng kể so với dự trù. Hơn nữa, khoản tiết kiệm cật lực suốt 10 năm trước đó cũng giúp chúng tôi vượt qua khó khăn về tài chính. Tất nhiên, vợ chồng tôi nhiều lần phải đụng tới khoản tiền mặt dành dụm được - nhất là trong giai đoạn tôi bị mất một khoản thu nhập lớn sau khủng hoảng năm 2008. Dù vậy chúng tôi không đụng tới khoản tiết kiệm dành cho nghỉ hưu và tiết kiệm cho con vào đại học.
Bài học rút ra sau tất cả là gì? Muốn sung túc thực sự, bạn cần tiết kiệm đều đặn, có kế hoạch dự phòng cho các vấn đề có thể xảy ra, tránh nợ nần.