5 Hiệp hội góp ý dự thảo Thông tư ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm. |
5 hiệp hội ngành hàng bao gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao.
Các hiệp hội này đã góp ý một loạt nội dung được cho là chưa phù hợp tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về nội dung và cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Công văn góp ý đã được 5 Hiệp hội gửi tới Bộ Y tế, Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công Nghệ và Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Dự thảo vẫn còn một số nội dung bất cập rất lớn, chưa phù hợp với các quy định của khu vực và quốc tế, thiếu cơ sở khoa học, chưa phù hợp với thực tiễn, gây tốn kém cho DN trong khi chưa có đánh giá rõ ràng về lợi ích thu được", 5 hiệp hội bày tỏ.
Dù đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý cho Dự thảo trước để Điều chỉnh một số nội dung tại Dự thảo lần này như: lựa chọn phương án yêu cầu ghi nhãn 5 thành phần dinh dưỡng và theo 1 cách (khối lượng) rất phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của nhiều quốc gia trong khu vực, tăng lộ trình và thời gian chuyển tiếp việc thực hiện (tại Điều 9) từ 1 năm lên 2 năm, bỏ quy định ghi thêm thành phần Đường tổng số đối với thực phẩm chiên rán …
Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn một số nội dung bất cập rất lớn, chưa phù hợp với các quy định của khu vực và quốc tế, thiếu cơ sở khoa học, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và áp dụng thực tiễn, gây tốn kém cho DN trong khi chưa có đánh giá rõ ràng về lợi ích thu được.
Cụ thể, về Khoản 2 Điều 2 của Dự thảo, 5 Hiệp hội đề nghị xem xét điều chỉnh thay cụm từ “cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” tại điểm m Khoản 2 Điều 2 thành “cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ”, để thống nhất với từ ngữ được sử dụng tại Điều 22 Luật An toàn thực phẩm.
Về Khoản 8 Điều 3 của Dự thảo, các Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ toàn bộ nội dung định nghĩa quy định về “Đồ uống có đường” tại Khoản 8 Điều 3 vừa được Ban Soạn thảo bổ sung mới vào Dự thảo.
Lý do là định nghĩa mới về “Đồ uống có đường” trong Dự thảo là bất hợp lý, không phù hợp với quốc tế, không có trong các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, không có cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 5 của Dự thảo, các Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ các điểm mới sửa đổi nhưng bất hợp lý trong Khoản 2 Điều 5 so với Dự thảo lần 2 và bỏ toàn bộ các nội dung mới bổ sung tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 5.
Lý do là so với dự thảo lần 2 (1/2023) đã được lấy ý kiến góp ý, Dự thảo này sửa đổi quy định tại Khoản 2 Điều 5 từ “nước giải khát” thành “đồ uống có đường, thực phẩm có thành phần carbohydrat” và bổ sung thêm các Khoản 4 và Khoản 5 như Dự thảo đều rất bất hợp lý, sẽ rất tốn kém cho các DN, khó thực thi và không có cơ sở khoa học và pháp lý, cũng như chưa đánh giá tác động và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.
Định nghĩa “Đồ uống có đường” như phân tích ở trên là rất mập mờ, thiếu rõ ràng, phản khoa học, không phù hợp với quốc tế, không có cơ sở pháp lý và không phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tương tự, “thực phẩm có thành phần carbohydrat” sẽ bao trùm đại đa số các loại thực phẩm, do thực phẩm hầu hết đều chứa cả 3 đại dưỡng chất là đạm, chất béo, carbohydrat, việc đưa khái niệm này vào sẽ đối nghịch lại ngay Khoản 1 của Điều này, vừa phản khoa học, gây mâu thuẫn trong chính văn bản.
Khoản 4 và Khoản 5 bổ sung mới yêu cầu đối với “sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi" ghi thêm chỉ tiêu “đường tổng số, chất béo bão hòa” và ghi thông tin “cảnh báo đối với sản phẩm có chứa nhiều đường, nhiều muối”.
Các Hiệp hội không đồng ý với 2 khoản mới này, vì cho rằng khi dự thảo đã gần hoàn thiện, tuyệt đối không nên đưa thêm những yêu cầu mới như “sản phẩm dinh dưỡng”, "thực phẩm dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi", “thực phẩm bổ sung”... mà chưa có cơ sở khoa học rõ ràng và chưa được lấy ý kiến của các đối tượng bị ảnh hưởng, để tuân thủ đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật.
Về Phụ lục II của Dự thảo, các Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm cho Phụ lục này các nội dung sau để thuận lợi cho việc thi hành, không gây khó khăn không cần thiết cho sản xuất kinh doanh.