Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2022, lượng nhập khẩu xăng dầu của cả nước đạt 767.000 tấn, trị giá là 890 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 4,19 triệu tấn xăng dầu các loại, với trị giá là 4,2 tỷ USD, dù chỉ tăng 17,8% về lượng nhưng tăng đến 123,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, mới qua 5 tháng đầu năm, nhưng chi ngoại tệ nhập xăng dầu đã vượt mức thực hiện của cả năm 2021.
Lượng xăng dầu các loại nhập khẩu về Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 5/2022, so sánh với cùng kỳ năm 2021. |
Báo cáo Xuất nhập khẩu 2021 cho hay, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập tái xuất trong năm qua là 6,99 triệu tấn, trị giá
khoảng 4,15 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020.
Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, trong năm 2021, diesel tiếp tục là mặt hàng có lượng nhập khẩu nhiều nhất (chiếm 68,0% về lượng và 67,8% về trị giá trong tổng nhập khẩu xăng dầu). Lượng nhập khẩu diesel đạt 4,75 triệu tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 1,3% về
lượng và tăng 52,5% về trị giá so với năm 2020.
Xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam năm 2021 nhiều nhất từ Malaysia, chiếm 32,5% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước và chiếm 30,8% tổng kim ngạch với 2,27 triệu tấn, trị giá đạt 1,28 tỷ USD. Tuy vậy, lượng nhập khẩu từ Malaysia cũng giảm 4,65%
so với năm trước.
Lượng nhập khẩu từ các thị trường hầu hết đều giảm như: từ thị trường Trung Quốc giảm 51,3%, Hàn Quốc giảm 33,4%, Singapore giảm 6,2%, Malaysia giảm 4,7%. Riêng thị trường Thái Lan ghi nhận lượng nhập khẩu tăng 2% so với năm trước, đạt 1,19 triệu tấn.
Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 2, đạt 1,62 triệu tấn, chiếm 23,2% lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước. Trị giá nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 989,6 triệu USD, giảm 3,5% với mức giá bình quân là 610,7 USD/tấn, tăng 44,7%.
Còn 5 tháng 2022, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại vào Việt Nam tăng ở thị trường Hàn Quốc và Brunei nhưng giảm ở thị trường Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Cụ thể, nhập khẩu từ Hàn Quốc là 1,74 triệu tấn, tăng 107,3%; Brunei là 329.000 tấn, tăng 201%; trong khi đó nhập khẩu từ Malaysia là 701.000 tấn, giảm 45,5%; Singapore là 567.000 tấn, giảm 9,7%; Thái Lan là 419.000 tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang phải oằn mình chống chọi với bão giá nhiên liệu. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, trước đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước đã có 16 kỳ điều chỉnh, trong đó có đến 13 kỳ điều chỉnh tăng.
Trong lần điều chỉnh gần nhất hôm 21/6, cũng là lần tăng giá tăng thứ 7 liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, giá xăng RON 95 đã xấp xỉ 33.000 đồng/lít.
Để đối phó với giá xăng dầu phi mã, hiện nhiều quốc gia đã chọn phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, thậm chí tính tới việc bỏ hẳn đánh thuế với xăng dầu trong bối cảnh lạm phát leo thang hiện nay.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
VCCI cho rằng, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022.
"Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay", VCCI đánh giá.
Thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua tiếp tục có nhiều biến động. Theo Liên Bộ Công thương - Tài chính, giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng, nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước châu Âu.
Ngoài ra, nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Lybia gây gián đoạn hoạt động sản xuất, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình…
Nhu cầu dầu vẫn cao trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước (mặc dù cầu có giảm nhẹ khi các ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng nhưng đã không giúp giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm).