Chiều ngày 25/12, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo về “Hành lang pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian gần đây, những vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm liên tục xảy ra. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở vi phạm.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra. Đặc biệt vi phạm trên môi trường mạng, mạng xã hội (Zalo, facebook, Youtube, google và các trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài), bán hàng đa cấp, thương mại điện tử…Theo bà Phương, những vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm được quy định chi tiết tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021).
Tuy nhiên, doanh nghiệp, cá nhân cần lưu ý rằng có những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đơn cử như việc hết thời hiệu xử phạt; không đủ yếu tố cấu thành hành vi vi phạm; hành vi vi phạm không còn nguy hiểm hoặc đã được khắc phục…
Trong trường hợp phải ra quyết định xử phạt thì tổ chức, cá nhân có quyền giải trình về hành vi bị cho là vi phạm hành chính trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Thời gian thực hiện giải trình là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo vi phạm hoặc yêu cầu giải trình.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo và thậm chí là khởi kiện nếu cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc hành vi của người có thẩm quyền xử phạt là trái pháp luật hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Các quyền này được thực hiện độc lập hoặc đồng thời nhưng không trùng lặp, đảm bảo đúng quy trình pháp luật. Song, quyết định xử phạt không bị tạm đình chỉ khi đang trong quá trình khiếu nại, tố cáo, hoặc khởi kiện, trừ khi có quyết định khác của cơ quan thẩm quyền.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Thị Minh Phương cũng lưu ý một số vấn đề đối với cá nhân, tổ chức là đối tượng bị xử phạt như: Hoãn thi hành quyết định phạt tiền; Giảm, miễn tiền phạt; Nộp tiền phạt nhiều lần; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính…
Trước đó, chia sẻ thông tin về chủ đề “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu Nghị định số 147/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nghị định này chính thức có hiệu lực ngày 25/12/2024.
Theo bà Huyền, các mục tiêu chính của Nghị định bao gồm: Đơn giản hóa thủ tục hành chính và trực tuyến hóa các quy trình cho doanh nghiệp; Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; Tăng cường bảo đảm an ninh thông tin và xử lý tranh chấp tên miền theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Nghị định tạo điều kiện phát triển dịch vụ Internet trong nước, đồng thời bảo vệ an ninh mạng và quyền lợi của người dùng.