Bên bán lẫn bên mua nợ đều ngần ngại
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, rất nhiều vướng mắc về thủ tục đang cản đường bán nợ của VAMC.
VAMC đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng số nợ đã bán, xử lý, thu hồi được mới chỉ hơn 3.000 tỷ đồng |
“Đã có 500 bộ hồ sơ bán nợ được VAMC chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài, với cam kết giữ bí mật, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy họ trả lời”, TS. Nghĩa nói và cho biết thêm, mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu chỉ là khoản đầu tư nhỏ với các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí, giá cả cũng chưa phải là vấn đề, mà vấn đề chính nằm ở chủ quyền.
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài không yêu cầu quyền sở hữu, chỉ cần quyền sử dụng đất 50 năm, song họ đòi hỏi, ngay khi sau khi mua, họ có toàn quyền với các tài sản nợ xấu đó, song đây lại là điều VAMC không dám đứng ra bảo đảm. Cho nên, không có gì khó hiểu, khi các nhà đầu tư ngoại chưa có câu trả lời.
Trong khi đó, “nói nhỏ” với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng TMCP nhận định: “Ngay cả khi bán được nợ, VAMC cũng phải mất vài năm mới có thể chuyển giao trọn vẹn quyền sở hữu tài sản nợ cho người mua. Nói cách khác, những thủ tục liên quan đến bán nợ hiện đang vướng trăm bề, khiến cả bên bán nợ là ngân hàng, VAMC lẫn bên mua nợ (nhà đầu tư) đều thấy ngán”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sẽ chẳng có nhà đầu tư nước ngoài nào mạo hiểm mua nợ Việt Nam, khi chưa có luật về tài sản bảo đảm và việc thanh lý tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản. Ngoài ra, thị trường mua, bán nợ chưa hình thành cũng khiến mua, bán nợ trở thành lĩnh vực đầy rủi ro.
Tính đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, VAMC đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng số nợ đã bán, xử lý, thu hồi được mới chỉ hơn 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho hay, những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý của VAMC lên tới 29 trang giấy.
“Chúng ta mua lại nợ xấu, nhưng không phát mại được tài sản thì không bao giờ thu lại được tiền. Thống kê trong hệ thống ngân hàng cho thấy, trung bình một tài sản các ngân hàng đã siết nợ thì phải mất từ 3 đến 7 năm mới thu được tiền. Tốc độ xử lý như vậy sẽ gây ách tắc rất lớn trong vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng như của VAMC”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Lối thoát duy nhất cho nợ xấu
TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét, việc xử lý nợ xấu hiện đang “đụng” tới 11 bộ luật và 7 nghị định. Do đó, không thể ngồi đợi gỡ hết từng luật và từng nghị định để xử lý nợ xấu. Do đó, theo TS. Nghĩa, lối thoát duy nhất hiện tại cho nợ xấu là phải ban hành được một Nghị quyết về xử lý nợ xấu, gỡ tất cả vướng mắc về các bộ luật, nghị định liên quan.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao NHNN lọc ra những điều luật cần chỉnh sửa và soạn thảo một nghị quyết về nợ xấu để trình Quốc hội thông qua.
“Hiện nguồn tiền xử lý nợ xấu của Việt Nam không thiếu và cũng không lấy từ ngân sách. Cái thiếu chính là cơ chế”, ông Nghĩa nói.
Cụ thể, trong “kho” của NHNN lúc nào cũng có 50.000 - 70.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ USD) tín phiếu mà NHNN phát hành, chưa kể tiền của các ngân hàng thương mại dư thừa, gửi tại NHNN. Số tiền này đủ sức để “thổi bay” nợ xấu mà không gây lạm phát.
Một cách nữa là, thay vì dùng tiền đồng để mua dự trữ ngoại tệ, NHNN có thể tạm dừng dự trữ ngoại tệ, phát hành tiền đồng để xử lý nợ xấu.
“Nếu Nghị quyết nợ xấu được Quốc hội thông qua, cộng với những cơ chế hợp lý về nguồn tiền, nợ xấu sẽ được xử lý rất nhanh”, ông Nghĩa dự báo.
Đồng tình với giải pháp trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có một cơ chế đặc biệt để xử lý nợ xấu, nếu không nợ xấu sẽ ngày càng phình to, ảnh hưởng đến cả nợ công. Và một khi nợ xấu chưa được xử lý, thì kinh tế năm 2015 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thùy Liên