Ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Ảnh: Hồng Hạnh) |
Là diễn giả cuối cùng phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn VRDF 2019, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã đề cập 6 định hướng quan trọng để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thịnh vượng.
Thứ nhất, theo ông Bùi Tất Thắng, phải nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
“Mặc dù đã trải qua gần 35 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều cải cách về thể chế và đến nay, những yếu tố và các quan hệ thị trường đã phủ khắp mọi hoạt động của nền kinh tế; nhưng chất lượng của thể chế kinh tế thị trường vẫn còn thấp và chưa đồng đều ở các ngành nghề, lĩnh vực; chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt theo nguyên tắc thị trường”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, thị trường chưa thực sự là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Chất lượng của một số văn bản pháp lý chưa cao, chưa đủ rõ ràng, minh bạch và còn chồng chéo. Việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc khiến cho môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, an toàn, lành mạnh và nhất quán…
“Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là phải nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Nhiệm vụ này là tiếp tục thực hiện một trong ba đột phá chiến lược ‘hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ được nêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhưng không phải trọng tâm chỉ đạo là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, mà còn phải bao quát một phạm vi rộng hơn, với trọng tâm chính xây dựng bộ máy nhà nước có cấu trúc và phương thức hoạt động phù hợp, hiệu lực và hiệu quả theo tinh thần Nhà nước pháp quyền, kiến tạo phát triển, cung cấp dịch vụ công đầy đủ, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.
Định hướng thứ hai, là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất để nhanh chóng định hình mô hình tăng trưởng kinh tế mới.
“Thời gian qua, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đã làm được nhiều việc và đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng việc ‘gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng’ thì chưa thực sự rõ nét. Một mô hình tăng trưởng mới dựa trên tăng năng suất lao động, trình độ công nghệ - kỹ thuật sản xuất cao chưa được hình thành”, ông Thắng thừa nhận.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của mô hình tăng trưởng kinh tế mới.
Thứ tư, phát triển mạnh mạng lưới kết cấu hạ tầng và hệ thống đô thị. Đây chính là một trong ba nội dung của đột phá chiến lược thời kỳ 2011 - 2020.
Thực hiện đột phá này, hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã từng bước được cải thiện. Tính chung trong khoảng 10 năm qua, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng gần 970 km đường cao tốc, 5.760 km quốc lộ. Các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi...; các cầu đường bộ lớn, các cảng hàng không và cảng biển quan trọng được xây mới, nâng cấp, mở rộng…
Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống. Tính đồng bộ, kết nối, nhất là đối với các loại hình giao thông chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào giao thông đường bộ. Hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh và đồng đều ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng núi cao. Hạ tầng đô thị không theo kịp sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa, một số công trình chất lượng kém và không tuân thủ nghiêm theo quy hoạch.
Vì vậy, theo ông Thắng, bên cạnh việc đẩy mạnh tiếp tục thực hiện các nội dung đã được xác định của đột phá phát triển kết cấu hạ tầng “tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn”, tới đây cần ưu tiên hoàn thành dứt điểm các công trình đang xây dựng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (trước năm 2025); khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng hai công trình lớn: cảng hàng không quốc tế Long Thành và giai đoạn 1 đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Đồng thời, xây dựng hạ tầng số và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển mạnh hệ thống đô thị theo hướng hoàn thiện và nâng cấp chất lượng các đô thị, tăng cường tính liên kết và lan tỏa của đô thị, làm cho các đô thị trở thành động lực mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của các vùng…
Định hướng thứ năm, theo ông Thắng, là tập trung phát triển con người và văn hóa - xã hội.
Và thứ sáu, là bảo vệ tốt môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Sự thịnh vượng bền vững về kinh tế được tạo ra không phải dựa trên ‘vay’ tài sản (tài nguyên) của các thế hệ tương lai, mà là ‘có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”, ông Thắng đã dẫn báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới như vậy để khẳng định tầm quan trọng của vấn đề môi trường.
“Thực tế kinh nghiệm phát triển kinh tế nhanh của một số quốc gia gần đây như Trung Quốc hay Việt Nam cho thấy, đã có những bài học cần được nghiêm túc xem xét của thời kỳ chiến lược 2011-2020. Con người ngày càng nhận ra rằng, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với cuộc sống của con người và mức độ bền vững về kinh tế”, ông Thắng khẳng định.